google-site-verification=jRjfwAInIBlCOQLL2nuNSXgT2JDoZmDqGFSvThq0VFo
top of page

ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ I - NGỮ VĂN LỚP 7

Trẻ con thôn quê là bạn của các con vật. Con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng. Tôi cũng thế. Tôi có những hộp diêm và những hộp các-tông dùng để nhốt dế, cánh quýt, ve sầu và bọ rầy. Nhưng tôi khác thằng Tường.


Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.



Về tơ nhện thì Tường nói đúng. Trước nay mỗi lần đứt tay chảy máu, tôi thường ngậm ngón tay trong miệng rồi ba chân bốn cẳng chạy vô nhà kho hoặc chái bếp để tìm mạng nhện. Tơ nhện quấn quanh vết đứt, máu ngưng chảy liền, chẳng rõ vì sao. Một thời gian dài, đó là thuốc tiên của tuổi thơ lắm trầy xước của bọn tôi.


Nhưng tôi chẳng tin chuyện chuồn chuồn cắn rốn tẹo nào.


Tôi nheo mắt nhìn Tường:

- Mày ngốc quá. Chuồn chuồn cắn rốn mà biết bơi à?
- Dạ
- Ai bảo mày vậy?
- Chú Đàn bảo.
- Chú Đàn bảo à.
– Tôi hạ giọng, ngập ngừng
– Mày nói thật không đấy? Để tao chạy tìm chú Đàn tao hỏi.
- Thật mà.

Tường nói, và nó chạy vụt ra sau vườn. Lát sau, nó chạy vô với con chuồn chuồn ớt trên tay.

- Anh vén áo lên đi!
– Tường nhìn lom lom vô bụng tôi, hào hứng giục.
-  Thôi. – Tôi bước lui một bước
– Mày phanh rốn cho nó cắn trước đi!

Tường vạch áo, đặt con chuồn chuồn vào giữa rốn.

Tôi chống tay lên hai đầu gối, ngoẹo đầu nhìn. Tôi thấy con chuồn chuồn đột ngột vểnh đôi cánh mỏng, đuôi cong vòng, chưa kịp nhìn kĩ đã nghe thằng Tường hét lên bài hãi, tay hấp tấp kéo con chuồn chuồn ra xa.

- Sao thế? – Tôi giật bắn
– Đau lắm à?

Tường cười lỏn lẻn:

- Đau sơ sơ. Như kiến cắn thôi.
- Đau sơ sơ mà mày la muốn bể nhà như thế?

Tôi nhìn Tưởng nghi ngờ, thậm chí tôi thấy có vẻ nó đang ứa nước mắt vì đau. Cho nên khi Tường chìa con chuồn chuồn , nói “Tới lượt anh nè”, tôi đưa tay gạt phắt:

- Tao không chơi trò ngu ngốc này đâu!
- Ngu ngốc á?
- Chứ gì nữa! – Tôi nhún vai.
- Khi nào tao thấy mày bơi, tao mới tin.

Chiều đó, hai anh em kéo nhau ra suối. Tôi đứng trên bờ theo dõi, còn thằng Tường dọ dẫm khúc suối cạn, tìm chỗ nước ngập ngang ngực để tập bơi. Kết quả buổi thực tập được đúc kết trong mẫu đối thoại buồn rầu sau đó giữa hai anh em:

- Bơi được không?
- Được.
- Chìm không?
- Chìm.
(Nguyễn Nhật Ánh)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo ngôi kể thứ mấy?
A. Ngôi 1
B. Ngôi 2
C. Ngôi 3
D. Ngôi 1 kết hợp với 3
Câu 2. Câu văn “Con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng.” sử dụng biện pháp tu từ nào?
A.                So sánh
B.                Liệt kê
C.                Nhân hoá
D.                Ẩn dụ
Câu 3. Dòng nào sau đây miêu tả chưa chính xác về cậu bé Tường?

A. Chơi với cả kiến, chuồn chuồn, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm.
B. Có những hộp diêm và hộp các-tông dùng để nhốt dế, cánh quýt, ve sầu, bọp rầy.
C. Nuôi một con cóc dưới gầm giường.
D. Đùa giỡn hàng giờ với một con sâu róm.

Câu 4. Thứ gì được nhân vật tôi coi là “thuốc tiên của tuổi thơ”?
A.               Chuồn chuồn cắn rốn
B.               Cóc tía
C.               Tơ nhện
D.               Kiến cắn
Câu 5. Chi tiết “Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.” thể hiện Tường là một cậu bé như thế nào?

A. Cậu bé nghịch ngợm, hiếu động.
B. Cậu bé hồn nhiên, yêu thiên nhiên, động vật.
C. Cậu bé có tài năng quan sát chi tiết, tỉ mỉ.
D. Cậu bé có tâm hồn nhạy bén.

Câu 6. Cậu bé Tường đã quyết định dùng cách nào để có thể nhanh chóng biết bơi?

A. Cậu bé ra suối tự học bơi
B. Cậu bé nhờ chú Đàn dạy
C. Cậu bé cho chuồn chuồn cắn rốn
D. Cậu bé được anh trai dạy bơi

Câu 7: Cho đoạn văn sau: “Cái cách thằng Tường thân thiện với mọi vật khiến đôi lúc tôi có cảm giác nó hơi khùng. Chỉ với một cái que trên tay, nó có thể say sưa đùa giỡn hàng giờ với một con sâu róm ngo ngoe trên thân gỗ mục.” Đoạn văn trên có bao nhiêu từ láy?

A.                Một từ
B.                Hai từ
C.                Ba từ
D.                Bốn từ
Câu 8. Theo em, sự đối lập về tính cách của hai anh em Thiều và Tường trong câu chuyện là gì?

A. Tường – bạo dạn, ngây ngô; Thiều – nhút nhát, điềm tĩnh.
B. Tường – thông minh, chăm chỉ; Thiều – dũng cảm, mạnh mẽ.
C. Tường – ngây thơ, dũng cảm; Thiều – đa nghi.
D. Tường – ngoan ngoãn, nghe lời anh trai; Thiều – thông minh, hiểu biết.

B. TỰ LUẬN

Câu 9. Chỉ  và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu “Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.”

Câu 10. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn “Trẻ con thôn quê là bạn của động vật.”
Chỉ ra cụm từ được sử dụng để mở rộng thành phần câu.

Câu 11.Viết đoạn văn 7 – 8 câu nêu cảm nhận của em về tuổi thơ của hai anh em Thiều và Tường.
 
II. VIẾT (6,0 điểm)

Bài 1: Từ nội dung câu chuyện trên. em hãy viết một đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi nêu quan điểm của mình về vấn đề: hiện nay trẻ em sống ở thành phố càng ngày càng vô cảm.

Bài 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ “Một mình trong mưa” – Đỗ Bạch Mai (SGK trang 56).

 
 
 

Comments


bottom of page