Đỉnh cao cách mạng nông-quang điện
- OFREZH EDITOR
- 28 thg 5
- 5 phút đọc
Nhờ cách bố trí thông minh này, một hecta đất có thể vừa tạo ra điện sạch cung cấp cho hàng trăm hộ dân, vừa tiếp tục là nơi gieo trồng lương thực.

Fabian Karthaus lớn lên cùng với năng lượng mặt trời. Năm năm trước, anh chàng tiếp quản trang trại của cha mình gần thị trấn Paderborn, phía tây nước Đức và hiện quản lý nó một cách độc lập. Bên dưới lớp mái vòm gắn đầy những tấm pin mặt trời lớn, quả mọng đơm trái nặng trĩu.
“Cha tôi đã xây dựng hệ thống quang điện đầu tiên trên mái nhà kho và bạn có thể thấy nó hoạt động”, anh nói. “Vợ tôi và tôi bắt đầu nghĩ cách vận hành trang trại theo cách có ý nghĩa, vậy nên nảy ra ý tưởng trồng quả mọng dưới mái nhà năng lượng mặt trời”.
Mùa hè với điều kiện thời tiết nóng nực là vấn đề lớn với cây trồng. Nếu làm mái vòm gắn tấm pin năng lượng mặt trời, cây sẽ hạn chế bốc hơi nước, từ đó giảm rủi ro chết khô.
“Sự bốc hơi chỉ bằng khoảng 25% so với cây trồng ngoài đồng”, anh nói.
Không chỉ bảo vệ quả mọng, hệ thống này còn tạo ra điện, tương đương khoảng 640.000 kilowatt giờ mỗi năm, vừa đủ cho nhu cầu của 160 hộ gia đình.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tạo ra năng lượng xanh tại địa phương, phi tập trung, nơi năng lượng được tiêu thụ”, Karthaus cho biết.
Ở Đức, phương pháp canh tác này hiệu quả đối với các loại trái cây mềm, táo, anh đào, khoai tây và các sản phẩm như cà chua và dưa chuột. Nó được gọi là nông nghiệp quang điện (Agri-Photovoltaics, gọi tắt là Agri-PV), tức tận dụng khu vực đất nông nghiệp để vừa sản xuất thực phẩm, vừa tạo điện sạch.

Max Trommsdorff, một chuyên gia về nông điện tại Viện Fraunhofer, đã nhìn thấy tiềm năng to lớn cho nông nghiệp quang điện trên toàn thế giới. Đã có một số nhà máy nông nghiệp quang điện ở Châu Âu, Mali, Gambia và Chile; song cho đến nay, phần lớn vẫn ở Châu Á.
Nhà máy lớn nhất thế giới, với công suất khoảng 1.000 megawatt và bao phủ diện tích 20 km vuông, nằm ở rìa sa mạc Gobi ở Trung Quốc. Nơi đây trồng quả kỷ tử ngay dưới mái nhà lợp đầy pin năng lượng mặt trời, giúp đất khô cằn màu mỡ trở lại.
“Mục tiêu ở đây là hỗ trợ thay đổi cấu trúc, ngăn chặn tình trạng di cư ở nông thôn và tạo ra triển vọng cho người dân nông thôn, Trommsdorff nói.
Được biết, Đức là một trong số những quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực nông điện. Mô hình kép hiện đang được thí điểm ở Fronreute, nơi các vườn anh đào được trang bị tấm pin mặt trời có thể sản xuất tới 420 kW mỗi ha. Cây trồng sẽ được bảo vệ khỏi nhiệt, tia UV và mưa đá.
Phần mềm thông minh hiện cũng được tích hợp sử dụng để tối ưu hóa sản xuất năng lượng mà không làm giảm năng suất cây trồng. Dữ liệu ban đầu cho thấy năng suất phần lớn không bị ảnh hưởng hoặc thậm chí còn cải thiện trong một số trường hợp.
“Ngày nay, không có gì rẻ hơn năng lượng mặt trời”, Björn Piske, Trưởng phòng Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đức cho biết. “Ở Đức, chúng tôi cần tất cả lượng điện có thể sản xuất được; cho ô tô điện, để chuyển đổi ngành công nghiệp, để sưởi ấm nhà cửa,... Năng lượng mặt trời hiện vẫn là hình thức năng lượng tái tạo rẻ nhất”.
Cách tiếp cận mới mẻ hiện đang phát triển mạnh mẽ trên khắp Châu Âu và Châu Á, trong đó, Đức và Nhật Bản dẫn đầu. Hệ thống thu hoạch kép được coi là bước tiến lớn trong nông nghiệp bền vững cũng như sản xuất năng lượng phi tập trung.
“Sự kết hợp giữa canh tác năng lượng mặt trời và canh tác truyền thống khiến cho hoạt động kinh doanh trở nên vững chắc hơn đối với nông dân. Tôi tin rằng quang điện nông nghiệp sẽ tồn tại lâu dài”, một chuyên gia cùng ngành cho biết.

Comments