top of page
Ảnh của tác giảOFREZH EDITOR

3 (tiếp). BÁO CÁO THAM LUẬNTHỰC TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

Đã cập nhật: 19 thg 10, 2022

3. Thực trạng ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSH





3.1. Ô nhiễm môi trường đất từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp


Giai đoạn 2016 - 2020, nhìn chung chất lượng môi trường đất ở Việt Nam khá tốt, tuy nhiên môi trường đất nông nghiệp xung quanh khu vực có hoạt động công nghiệp tập trung hay các vùng chuyên canh nông nghiệp đã có dấu hiệu bị suy giảm, đặc biệt tại vùng ĐBSH là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và có mức độ thâm canh cao. Một số khu vực đất bị ô nhiễm nghiêm trọng tồn lưu hoá chất BVTV đã được xử lý, khắc phục trong giai đoạn này. Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, hàm lượng hữu cơ trong đất đều có dấu hiệu suy giảm, rõ nhất trên đất chuyên canh rau và hoa cây cảnh, bên cạnh đó là dấu hiệu bị chua hóa.

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, ở Việt Nam, hiệu suất sử dụng phân đạm chỉ đạt từ 30 - 45%, lân từ 40 - 45% và kali từ 40 - 50%. Trong thực tế sản xuất, việc nông dân sử dụng phân bón cao hơn nhiều so với lượng khuyến cáo đã diễn ra rất nhiều năm nên một số dưỡng chất như đạm, lân lưu tồn trong đất với lượng rất lớn.

Ngoài ra, nông dân thường chỉ chú trọng bón phân hóa học mà không quan tâm đến phân hữu cơ. Trong khi đó, việc bón các loại phân chuồng các loại phân ủ hoai mục (phân chuồng, phân xanh), phân hữu cơ vi sinh... là vô cùng cần thiết nhằm tăng cường lượng vi sinh vật trong đất và trả lại cho đất lượng dinh dưỡng hữu cơ mà cây trồng đã lấy đi. Việc chỉ bón phân hóa học, đặc biệt là các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý như K2SO4, KCl, super phosphat... còn gây chua hóa đất, nghèo kiệt các cation kiềm và làm xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất như ion Al3+, Fe3+.

Đối với đất trồng rau, nông dân thường bón nhiều đạm và không đảm bảo thời gian cách ly, đặc biệt đối với rau ăn lá. Người dân chủ yếu sử dụng phân hóa học do hiệu quả nhanh, lượng phân sử dụng thường cao hơn khuyến cáo từ 1,1 - 1,6 lần, điều này diễn ra khá phổ biến tại một số vùng chuyên canh rau. Bên cạnh đó, thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng cũng đang được sử dụng rất phổ biến trong canh tác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy hầu hết nông dân sử dụng thuốc BVTV không theo hướng dẫn (không đúng liều lượng, chủng loại và thời gian cách ly sau khi phun...). Lượng thuốc sử dụng cao gấp 2 - 3 lần so với khuyến cáo (chiếm 58,3% số hộ được điều tra).

Các vùng thâm canh rau, hoa, chè đều có dấu hiệu suy thoái, chua hoá đất sản xuất. Hàm lượng hữu cơ có xu hướng giảm trên đất trồng chè tại Tân Cương và đất trồng hành tại Hiệp Hòa (giảm từ mức giàu ở thời kỳ 2015 - 2018 xuống mức trung bình ở thời kỳ 2019 - 2020). Kết quả điều tra cũng cho thấy đất trồng chè Tân Cương trong 03 năm gần đây bị chai cứng, khó canh tác hơn, năng suất chè giảm.

Hiện tượng phú dưỡng lân đã xuất hiện ở một số khu vực sau thời gian thâm canh sản xuất nông nghiệp. Hàm lượng lân dễ tiêu trong đất trồng chè tại Tân Cương (Thái Nguyên) là 36,83 - 74,42 mg/100g, trong đất trồng lúa màu tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) là 32,16 mg/100g, trong đất trồng rau tại Lĩnh Nam (Hà Nội) là 30,94 mg/100g. Kết quả điều tra nhiều năm cũng cho thấy, trong quá trình canh tác, lượng phân lân được sử dụng để bón cho một số loại rau, hoa tại các điểm quan trắc trên khá lớn (100 - 190 kg P2O5/ha/vụ đối với rau, 180 - 450 kg P2O5/ha/vụ đối với hoa), cao gấp 1,0 - 1,9 lần lượng khuyến cáo. Trong khi đó, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 30% tổng lượng lân bón, lượng tồn dư tích lũy trong đất từ vụ này sang vụ khác cộng thêm lượng được bổ sung cho vụ mới đã làm cho hàm lượng lân dễ tiêu tăng cao tại khu vực này. Trong giai đoạn 2016 - 2020, xu thế tích lũy lân ngày càng tăng trong đất vùng thâm canh nông nghiệp.

Về nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng, tại các vùng chuyên canh rau, đất đã có hiện tượng bị ô nhiễm Cu và Cd. Xét trong giai đoạn 2016 - 2020, hàm lượng Cu và Cd trong đất chuyên canh rau, mía khu vực ĐBSH có xu hướng gia tăng.


3.2. Ô nhiễm môi trường nước từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp


Nhìn chung, tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nước từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp là thấp hơn nhiều so với các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt. Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như lưu vực sông Hồng - Thái Bình duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, cục bộ vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém, song đã có sự cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước. Ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm hóa chất BVTV từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cục bộ tại một số khu vực trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, giai đoạn 2016 - 2020, cũng đã ghi nhận nước sông bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ, tuy nhiên từ năm 2019 đến nay đã giảm, trừ đoạn sông qua làng Chèm, cầu Thanh Trì (Hà Nội) vẫn còn khá cao, thậm chí tăng, vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Đáng lưu ý, tình trạng ô nhiễm dinh dưỡng có xu hướng gia tăng tại khu vực hạ lưu sông Hồng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (hệ thống thủy nông của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, có chiều dài là 200 km). Trong những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường năm 2019 cho thấy trên 90% các vị trí quan trắc trên hệ thống có các thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mức độ ô nhiễm đặc biệt gia tăng vào mùa khô (vào tháng 10 - 12) do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước cho tưới tiêu, gây tình trạng nước bị ứ đọng. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề... chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác trong khu vực hiện đang rất ô nhiễm chảy vào.


3.3. Ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp


Chất lượng môi trường không khí ở khu vực nông thôn hiện nay còn khá tốt, rất nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Giá trị các thông số đặc trưng cho môi trường không khí xung quanh hầu hết nằm trong ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, một số khu vực nông thôn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, điểm công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, chôn lấp và đốt CTRSH cũng như phát triển cơ sở hạ tầng... đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí cục bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề tại khu vực nông thôn so với giai đoạn trước nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.

Tại một số làng nghề, ô nhiễm mùi vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm mùi xảy ra tại các làng nghề rất khác nhau về chủng loại và mức độ, phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của làng nghề. Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng. Tại một số làng nghề như làng mộc Chàng Sơn, Bằng Hữu (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), làng nghề da giày Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội)..., ô nhiễm mùi phát sinh chủ yếu do sử dụng các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm xảy ra theo thời điểm, không liên tục.

Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ, có một lượng lớn phụ phẩm phát sinh từ cây trồng, nhưng chỉ một phần được tái chế, tái sử dụng, phần còn lại thường bị đốt bỏ ngoài ruộng, gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ (hiện tượng khói mù).

16 lượt xem1 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

1 Comment