Một người tính toán rằng trong 36 năm đi làm, mỗi tháng phải kiếm gần 40 triệu đồng mới đủ lo cho gia đình.
Có lần, trong một cuộc trò chuyện với một người bạn cũ, tôi nghe anh kể về hành trình hơn 20 năm đi làm của mình. Khi mới ra trường, anh chỉ mong có một công việc đủ sống, đủ tiền thuê trọ, ăn uống đơn giản và dư một ít để gửi về cho bố mẹ.
Nhưng rồi cuộc sống cuốn anh vào guồng quay của những mục tiêu lớn hơn: mua nhà, mua xe, lập gia đình, nuôi con... Cứ thế, mỗi cột mốc anh đạt được lại mở ra một áp lực mới, để rồi đến tuổi 40, khi nhìn lại, anh tự hỏi mình đã thực sự sống hay chỉ đang chạy theo những con số.
Một lần trên mạng, tôi thấy một người thống kê những chi phí trong cả một đời người, gọi là "Bảng khái toán đời người".
Bảng khái toán về chi phí cuộc đời với con số gần 16 tỷ đồng có thể khiến nhiều người giật mình, nhưng thực tế nó phản ánh khá sát thực tế cuộc sống.
Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc đời đầy đủ, nhưng câu hỏi đặt ra là phải làm sao để vừa có tiền tích lũy, vừa tận hưởng cuộc sống mà không bị gánh nặng tài chính đè nặng?
Tôi từng gặp nhiều người dành cả tuổi trẻ để tích cóp, dè sẻn từng đồng với mong muốn có một khoản tiết kiệm vững chắc. Họ làm việc không ngơi nghỉ, từ chối những cuộc gặp gỡ bạn bè, những chuyến đi chơi xa, thậm chí hy sinh cả sở thích cá nhân chỉ để đạt được mục tiêu tài chính. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, họ nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc đẹp của tuổi trẻ.
Ngược lại, cũng có những người sống hết mình cho hiện tại, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, thậm chí vay mượn để hưởng thụ trước rồi mới tính sau. Họ có thể tận hưởng những chuyến du lịch xa hoa, những bữa ăn sang trọng, những món đồ hàng hiệu nhưng đến khi đối diện với biến cố tài chính, họ mới thấy mình không có gì trong tay.
Tôi cũng từng đứng giữa hai lựa chọn ấy. Có giai đoạn, tôi cố gắng tiết kiệm gần như toàn bộ thu nhập, từ chối những buổi đi chơi cuối tuần, những sở thích cá nhân chỉ vì muốn sớm mua được một căn nhà.

Opmerkingen