GỢI Ý ĐÁP ÁN ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ I MÔN CÔNG NGHỆ 7
A. LÝ THUYẾT
I. Giới thiệu về trồng trọt
1. Vai trò , triển vọng của trồng trọt. Các nhóm cây trồng.
2. Một số phương thức trồng trọt phổ biến ở Việt Nam.
3. Một số đặc điểm cơ bản của trồng trọt công nghệ cao.
4. Một số ngành nghề trồng trọt ở Việt Nam.
II. Quy trình trồng trọt:
1. Làm đất trồng cây
2. Gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng.
3. Thu hoạch sản phẩm trồng trọt.
4. Nhân giống vô tính cây trồng.
B. BÀI TẬP VÍ DỤ
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Vai trò nào sau đây không phải của trồng trọt?
A. Cung cấp rau xanh cho con người. B. Cung cấp gạo cho xuất khẩu.
C. Cung cấp thức ăn cho chăn nuôi. D. Cung cấp nguyên liệu cho chế biến sữa.
Câu 2. Nhóm cây trồng nào sau đây đều là cây rau?
A. Cà phê, lúa, ngô. B. Su hào, cải bắp, cà chua.
C. Khoai lang, khoai tây, mía. D. Bông, cao su, cà phê.
Câu 3. Nội dung nào sau đây mô tả đúng phương thức trồng trọt ngoài tự nhiên?
A. Trên 25% công việc trong quy trình trồng trọt được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.
B. Trên 50% công việc trong quy trình trồng trọt được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.
C. Trên 75% công việc trong quy trình trồng trọt được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.
D. Mọi công việc trong quy trình trồng trọt đều được tiến hành trong điều kiện tự nhiên.
Câu 4. Một trong những ưu điểm của phương thức trồng trọt trong nhà có mái che là
A. Tiến hành đơn giản. B. Chi phí đầu tư thấp.
C. Cây trồng không cần chăm sóc. D. Có thể trồng được rau trái vụ.
Câu 5. Chọn đáp án đúng trước những đặc điểm cơ bản của trồng trọt công nghệ cao?
A. Ưu tiên sử dụng các giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn. Ứng dụng nhiều các thiết bị, công nghệ hiện đại.
B. Đất trồng dần được thay thế bằng các loại giá thể, dung dịch dinh dưỡng.
C. Người lao động có trình độ cao, quy trình sản xuất khép kín.
D. Tất cả các đáp án trên đều đúng.
Câu 6. Một trong những nhiệm vụ của kĩ sư chọn giống cây trồng là
A. Nghiên cứu tạo ra các loại phân bón mới.
B. Nghiên cứu tạo ra các loại thuốc trừ sâu mới.
C. Nghiên cứu tạo ra các loại giống cây trồng mới.
D. Nghiên cứu tạo ra các loại giống vật nuôi mới.
Câu 7. Bạn Huy rất yêu thích công việc chăm sóc cây trồng. Huy mơ ước sau này sẽ nghiên cứu tạo ra các hệ thống trồng cây giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Theo em, bạn Huy phù hợp với ngành nghề nào sau đây?
A. Kĩ sư trồng trọt. B. Kĩ sư chọn giống cây trồng.
C. Kĩ sư bảo vệ thực vật. D. Kĩ sư chăn nuôi.
Câu 8. Lên luống có tác dụng nào sau đây?
A. Làm cho đất tơi xốp. B. Thuận lợi cho việc chăm sóc.
C. Chôn vùi cỏ dại. D. San phẳng mặt ruộng.
Câu 9. Công việc nào dưới đây được thực hiện trước khi bón phân lót?
A. Cày đất. B. Gieo hạt. C. Tưới nước. D. Trồng cây.
Câu 10. Một trong những công việc chăm sóc cây trồng là
A. Gieo hạt, trồng cây con. B. Bừa đất, san phẳng mặt ruộng.
C. Vun xới, làm cỏ dại. D. Lên luống.
Câu 11. Một trong những nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh là
A. Phòng là chính.
B. Ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
C. Phun thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn sử dụng.
D. Phun thuốc với nồng độ thấp hơn hướng dẫn sử dụng.
Câu 12. Khi nào cần tỉa cây?
A. Cây mọc không đồng đều. B. Cây mọc quá dày.
C. Cây mọc quá thưa. D. Cây bị thiếu nước.
Câu 13. Khi nào cần dặm cây?
A. Cây trồng bị thiếu ánh sáng. B. Cây mọc quá dày.
C. Cây mọc quá thưa. D. Cây bị thiếu dinh dưỡng.
Câu 14. Bón phân thúc cho cây trồng có vai trò nào sau đây?
A. Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
B. Ngăn ngừa sự phát triển của sâu bệnh hại cây trồng.
C. Ngăn ngừa sự phát triển của cỏ dại.
D. Rút ngắn thời gian sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Câu 15. Phương án nào sau đây không phải là một trong các phương pháp thu hoạch sản phẩm trồng trọt?
A. Hái. B. Nhổ. C. Cắt. D. Bổ.
Câu 16. Nội dung nào sau đây là một trong những yêu cầu của thu hoạch sản phẩm trồng trọt?
A. Thu hoạch đúng thời điểm. B. Thu hoạch càng muộn càng tốt.
C. Thu hoạch càng sớm càng tốt. D. Thu hoạch khi có nhu cầu sử dụng.
II. PHẦN TỰ LUẬN
Câu 1. Đất trồng có những thành phần nào?
Các thành phần của đất trồng có vai trò gì đối với cây trồng?
Câu 2. Em hãy nêu ưu, nhược điểm của phương thức trồng trọt ngoài tự nhiên và trồng trọt trong nhà có mái che?
Câu 3. Vì sao khi tuốt lúa lại cần phải phơi thóc hoặc đem thóc đi sấy ngay mà không để thóc tươi và đánh đống lại?
Câu 4. Vì sao trong công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng cần thực hiện nguyên tắc phòng là chính?
Câu 4. Nhà bạn Huy có trồng một số chậu hoa hồng. Sáng nay khi tưới nước cho cây Huy phát hiện đã có một vài ổ trứng của một loài sâu hại trên lá cây. Em hãy gợi ý giúp bạn Huy biện pháp phù hợp để vừa loại bỏ được sâu hại, vừa đảm bảo an toàn cho con người, không gây ô nhiễm môi trường và giải thích vì sao lại lựa chọn biện pháp đó.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
Câu 1:
- Đất trồng gồm các thành phần: Phần rắn, phần lỏng, phần khí.
- Các thành phần của đất trồng có vai trò:
· Phần rắn: Cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, giúp cây đứng vững.
· Phần lỏng: Cung cấp nước cho cây, hòa tan các chất dinh dưỡng giúp cây dễ hấp thụ.
· Phần khí: Cung cấp oxygen cho cây; làm cho đất tơi, xốp và giúp rễ cây hấp thụ khí oxygen tốt hơn.
Câu 2:
- Trồng trọt ngoài tự nhiên:
· Ưu điểm: Tiến hành đơn giản, dễ thực hiện, có thể thực hiện trên diện tích lớn.
· Nhược điểm: Cây trồng dễ bị tác động bởi sâu, bệnh hại và các điều kiện bất lợi của thời tiết (giá rét, hạn hán, bão, lụt,...)
- Trồng trọt trong nhà có mái che:
· Ưu điểm: Cây ít bị sâu, bệnh; có thể tạo ra năng suất cao, chủ động trong việc chăm sóc và có thể sản xuất được rau, quả trái vụ.
· Nhược điểm: đòi hỏi phải đầu tư lớn và kĩ thuật cao hơn so với trồng trọt ngoài tự nhiên.
Câu 3:
- Hạt thóc sau khi tuốt thường có độ ẩm cao (khoảng 20% đến 27%) thuận lợi cho quá trình hô hấp của tế bào, vì vậy, nếu đánh đống lại thóc sẽ hô hấp mạnh dẫn đến bị hao hụt và giảm chất lượng gạo.
- Đem thóc đi phơi hoặc sấy làm cho độ ẩm trong tế bào hạt thóc giảm xuống, ngăn cản quá trình hô hấp của tế bào, thóc không bị hao hụt và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản.
Câu 4:
- Phòng bệnh là nhằm ngăn ngừa sâu bệnh xâm nhập, phát triển và gây hại cho cây trồng nên thực hiện nguyên tắc phòng là chính sẽ tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời giữ được năng suất, chất lượng nông sản và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật qua đó bảo vệ môi trường, sức khỏe của chính mỗi chúng ta.
- Nếu không phòng tốt, để cây trồng bị sâu, bệnh phá hoại thì cây trồng sẽ sinh trưởng và phát triển kém, đồng thời tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để diệt trừ sâu, bệnh.
Câu 5:
- Sử dụng biện pháp thủ công: Bắt sâu, ngắt bỏ lá có ổ trứng
- Giải thích: Sâu mới xuất hiện nên sử dụng biện pháp thủ công vì biện pháp này đơn giản, dễ thực hiện; có hiệu quả khi sâu bệnh mới phát sinh; vừa đảm bảo an toàn cho con người và không gây ô nhiễm môi trường.
Comments