KHỞI NGHIỆP VỚI 10 TRIỆU THU HÀNG TỈ
9X Hà Nội cầm 10 triệu đồng, liều lĩnh trồng nho không hạt thu lời tiền tỷ
Anh Cương chia sẻ, anh hỗ trợ các vườn khác làm thành công. Năm đầu chủ vườn khác thu hồi được 80% vốn nhưng vườn của anh liên tục bị "dớp" thất bại, tiền cứ sắp vào túi lại trôi đi mất.
Từng "chê" cái nghề "bán mặt cho đất"
Cầm điện thoại trên tay, anh Hoàng Văn Cương thực hiện thao tác chuyển khoản 100 triệu đồng cho bố mẹ vợ để trả khoản nợ anh nhờ vay giúp cách đây 3 năm. Còn lại 10 triệu đồng, anh Cương chuyển nốt cho công ty bao bì để làm hộp giấy và túi xách đựng sản phẩm. Tài khoản của anh cuối cùng chỉ còn lại chưa đầy 100 nghìn đồng, số tiền chỉ đủ duy trì thẻ.
"Từ ngày gắn bó với cái nghề nhiều người gọi là "bán mặt cho đất", tôi đã quen với cảnh cháy túi như vậy. Nhiều lúc mọi thứ còn gần như mất trắng, nợ nần chồng chất, ai cũng khuyên nên bỏ cuộc. Nhưng rất may là tôi đã không dừng lại", chàng trai 26 tuổi vừa nói vừa hướng về phía vườn nho hơn 3 tấn quả đang sắp đến kỳ thu hoạch.
Anh Hoàng Văn Cương đang chăm sóc vườn nho của mình.
Anh Hoàng Văn Cương sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tốt nghiệp cấp 3, Cương thi vào Đại học Nông Lâm Bắc Giang với suy nghĩ sau này xin vào các cơ quan làm về nông nghiệp có người quen đang công tác.
Khoảng thời gian học tại trường, Cương là sinh viên duy nhất được tham gia dự án trồng nho Hạ Đen do Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) chuyển giao tại Việt Nam. Vì vậy, anh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia Trung Quốc. Anh cũng nhận thấy, giống nho nước bạn chuyển giao sinh trưởng khỏe, cây trồng cho ra quả giòn, ngọt, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt.
"Trước giờ, người Việt chỉ mua nho không hạt nhập khẩu, tôi nghĩ nếu giống nho này trồng được ở trong nước thì nhiều người sẽ có cơ hội ăn nho không hạt của Việt Nam", Hoàng Văn Cương nói.
Nghĩ là vậy, nhưng ra trường, anh Cương xác định "không trồng cấy gì vì vất vả". Trong thâm tâm lúc đó, anh chỉ mong làm một công việc nhẹ nhàng, không phải một nắng hai sương.
Bố mẹ anh cũng vui mừng khi con xin được việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Trung ương. Thu nhập từ công việc giúp Cương có cuộc sống ổn định và hỗ trợ được bố mẹ.
Một lần đầu năm 2020, Cương tình cờ được nếm những trái nho Hạ Đen do một nhà vườn phía Bắc trồng. Tuy nhiên, khác với trái nho trước đây anh thu hoạch trong trường, nho Hạ Đen này có vị chua, chát, màu không đẹp và gây ngứa cổ nhẹ.
Đúng thời điểm đó, công việc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên Cương nảy ra ý định mua nho về trồng thử. "Khi ấy, tôi tự tin rằng với những kinh nghiệm được các giáo sư Trung Quốc truyền dạy, mình có thể trồng ra được những quả nho Hạ Đen ngon đúng vị", chàng trai Hà Nội nói.
Thời điểm đó, Cương đã kết hôn. Hai vợ chồng mới ra trường nên chưa có nhiều tiền tích lũy. Cả hai chỉ có vỏn vẹn trong tay 10 triệu đồng nên nhờ bố mẹ vợ vay thêm 20 triệu đồng.
Với số tiền ít ỏi, Cương bỏ tiền mua 140 gốc nho giống, mượn của bố vợ hơn 1 sào đất ở Hữu Lũng, Lạng Sơn làm luống, bắc giàn. Cương chạy đi chạy về giữa Bắc Giang (nơi làm việc) và Lạng Sơn để chăm sóc cho vườn nho.
Chính vì không có toàn thời gian dành cho khu vườn nên anh gặp ngay trở ngại đầu tiên. Sau một thời gian trồng, các gốc nho đồng loạt thối rễ do phân chuồng bón xuống chưa hoai mục, gây nóng đất.
Anh Cương trồng thêm một số hoa quả khác để có kinh phí hỗ trợ cho cây nho.
Không còn cách nào khác, Cương xin nghỉ làm một tuần, hì hục đào từng gốc cây, lấy hết phần phân chuồng, nâng niu từng cọng rễ. Các gốc nho được cứu nhưng sau đó cây lại xuất hiện nhiều bọ trĩ, lá nho xoăn tít. Anh Hoàng Văn Cương mất ăn mất ngủ, tìm đủ cách trị bệnh cho nho. Sau cùng, anh tìm ra cách lấy nước phun kèm rong biển cho từng cây.
Đến tháng 5/2020, cây phát triển tốt, tháng 9 nho ra hoa và dần cho quả. Vụ đầu tiên, anh Cương thu được hơn 3 tạ quả. Nho trồng ra ăn đậm vị, có đầy đủ các đặc tính của nho Hạ Đen chuẩn, đặc biệt là không gây ngứa cổ, vỏ không chát.
"Vụ đầu chỉ lãi được mấy cân nho cho gia đình ăn vì 30 triệu đồng thu được từ tiền bán nho, chúng tôi đem trang trải nợ nần và trừ chi phí ban đầu", anh Cương nhớ lại.
Nhận được phản hồi tốt từ các cửa hàng, anh Cương bàn với vợ về quê khởi nghiệp với cây nho.
Anh kể: "Lúc đó, công việc của hai vợ chồng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập giảm sút trong khi con trai của chúng tôi sắp chào đời. Tôi nghĩ, nếu với mức thu nhập này, nhà có thêm 1 đứa con rồi 2 đứa con thì rất khó xoay xở. Nếu muốn có tương lai tốt hơn, tôi nghĩ bản thân phải thay đổi".
Hai vợ chồng anh Cương sau đó dắt díu nhau về quê ở Phú Xuyên, Hà Nội thuê đất làm vườn. Từ đây, khó khăn mới thực sự bắt đầu.
Có ý tưởng lớn trong đầu nhưng anh tay trắng hoàn toàn. Chẳng nơi đâu chịu cho một thanh niên 23 tuổi không có gì đảm bảo trong tay vay tiền. Mảnh đất gia đình anh sinh sống vì một số trục trặc nên suốt nhiều năm chưa được cấp sổ đỏ. Anh chạy đôn chạy đáo khắp các ngân hàng nhưng cuối cùng đều nhận về cái lắc đầu từ chối.
Theo anh Cương, nếu hiểu được vùng khí hậu và hiểu được loài cây mình trồng, người nông dân sẽ bớt rủi ro trước những "canh bạc" với trời đất.
"Đánh bạc" với trời, tiền gần vào túi lại trôi đi mất
Sau nhiều đêm mất ngủ, anh Cương nghĩ phải gỡ rối dần dần. Thời điểm đó, "tài sản" anh có trong tay là một bài báo ghi nhận những thành công bước đầu của anh với giống nho Hạ Đen ở vườn Hữu Lũng.
Anh liền đem bài báo đó lên trình bày với ủy ban nhân dân xã nơi có khu đất định thuê. Sau nhiều lần thuyết phục, xã đồng ý cho chàng trai trẻ thuê 3 mẫu đất với giá 110 triệu đồng trong vòng 2 năm mà không phải thanh toán trước. Anh Cương chỉ trả trước 5 triệu đồng thay vì 110 triệu đồng so với yêu cầu ban đầu.
Có đất trồng, anh kỹ sư tính đến tiền mua giống, thuê nhân công, mua vật liệu làm giàn. "Thông thường khi cho vay tiền, ai cũng sẽ cho người có khả năng trả nợ vay. Còn với tôi, mọi thứ chưa rõ ràng, có người đã từ chối khéo, nhưng may mắn cũng có một số bạn bè ủng hộ.
Tôi "gài" họ bằng cách dẫn họ tới xem vườn nho ở Hữu Lũng của mình. Thấy tôi có tương lai, mọi người mới an tâm rút ví. Góp với số tiền bố mẹ vợ vay giúp, tổng cộng tôi có 170 triệu đồng trong tay để khởi nghiệp", anh Hoàng Văn Cương kể.
Nhưng số tiền chưa đầy 200 triệu đồng đó dường như chỉ như muối bỏ bể giữa cánh đồng cỏ hoang mọc ngút ngàn nhiều năm. Giá sắt tăng, chi phí nhân công tăng, tiền mua vật liệu quây đất phát sinh… khiến anh Cương choáng váng.
Anh Cương nhớ lại khoảng thời gian đầu đầy khó khăn và liên tiếp thất bại.
Dẫu vậy, đầu năm 2021, anh cũng xoay xở trồng được 900 gốc nho và dưa lê Hàn Quốc cùng một số rau củ khác để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng nho giống vừa trồng hôm trước thì hôm sau đã bị nhổ trộm hơn 100 gốc. Anh Cương tiếc đứt ruột lại cấp tốc mua cây về trồng bổ sung.
Tháng 4/2021, thấy cỏ gấu lên nhiều, anh sử dụng thuốc diệt cỏ để phun. Vài đợt đầu không gặp mưa, nên cây nho không bị ảnh hưởng. Lần phun thứ 3, thuốc bơm xong hôm trước, hôm sau trời đổ mưa lớn. Thuốc ngấm xuống đất làm vườn nho chết sạch.
Anh Cương tự trách bản thân đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Từ bài học đắt giá, anh Cương chuyển hướng sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để đảm bảo an toàn cho cây và đất. Nho trồng ra nhờ thế cũng nâng cao được thương hiệu.
Khoảng thời gian sau đó, dưa lê cho thu hoạch. Mỗi ngày, chàng trai trẻ cắt dưa, đóng hàng đến 11-12 giờ đêm. Năm giờ sáng hôm sau, anh đã có mặt ở các chợ để bán lẻ. Có tiền từ bán dưa, anh vay mượn thêm để mua cây giống, phục hồi vườn nho.
Để không gặp phải một sai lầm ngớ ngẩn nào nữa, anh Cương ghi chép tỉ mỉ từng giai đoạn phát triển của cây, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng quy trình cẩn thận từng bước một.
Nho ra hoa, từng chùm quả lớn dần trong ánh mắt hy vọng của hai vợ chồng. Thương lái nghe tiếng cũng tìm tới đặt hàng. Anh Hoàng Văn Cương chắc mẩm "vụ này sẽ thắng lớn".
"Nhưng có lẽ, ông trời lại muốn thử thách tôi một lần nữa. Ngay khi tôi nghĩ tiền sắp vào túi thì khó khăn lại ập tới", anh Cương nhớ lại.
Tháng 4/2022, nho đậu quả chi chít, dự trù thu 3-4 tấn quả thì trời mưa lớn mấy ngày. Luống thấp cộng với lối thoát nước của toàn cánh đồng bị chặn lại do công trình làm đường của địa phương án ngữ, toàn bộ cây ngập gốc gây nấm cuống, quả rụng lả tả.
Hai vợ chồng anh Cương ngồi giữa cánh đồng xơ xác nản lòng. Thời khắc đó, họ càng thấm thía hơn câu nói "làm nông nghiệp đôi khi như đánh bạc với trời". Chị Lưu Thị Hải buồn bã nói với chồng: "Hay là dừng lại".
Anh Cương không đáp lời vợ, cứ tha thẩn ngoài ruộng nho. "Lúc ấy tôi nghĩ, tại sao mình làm ở các vườn khác thành công, năm đầu họ thu hồi được 80% vốn mà vườn này qua 3 năm lại như bị "dớp". Nếu dừng lại coi như sẽ mất trắng, tiền vay mượn, tiền nhân công cả năm chưa trả…", anh Cương nhớ lại thời điểm khó khăn nhất.
Không thể bỏ gần nghìn gốc nho đang nảy mầm sau khi nước rút, anh Cương tự nhủ, thất bại lần này chẳng phải do trời, mấu chốt là do mình chưa hiểu hết vùng đất này, thử cố nốt một năm xem thành quả có khác không.
Sau đó anh khắc phục việc ngập úng mỗi khi mưa lớn bằng cách đánh luống cao và làm lại hệ thống thoát nước cho ruộng.
Cứ như vậy, anh Cương dùng kiến thức và công nghệ mới để giải quyết các vấn đề của nông nghiệp truyền thống. Tháng 12/2022, vườn thu được 1 tấn quả đủ để cho anh trang trải tiền nhân công và trả vài chục triệu tiền nợ.
Quả ngọt sau những phen lao đao
Nhìn lại quãng thời gian 4 năm gian nan khởi nghiệp với cây nho không hạt, nhiều lúc chị Hải không khỏi cảm phục chồng. Như bao người trẻ khởi nghiệp, anh Cương cũng gặp phải sự hoài nghi của chính những người thân trong gia đình khi lựa chọn con đường có khởi đầu không mấy giản đơn.
Mẹ anh ra sức phản đối, mỗi lần nhắc đến nho là hai mẹ con lại khắc khẩu. Những người thân khác thì đánh giá kế hoạch của hai vợ chồng anh không khả quan vì sản phầm trồng ra giá cao, khó cạnh tranh được với dòng nho nhập khẩu từ các quốc gia khác như Úc, Mỹ, Nam Phi hay Trung Quốc.
Kỳ thu hoạch nào anh Cương cũng gửi mẫu quả đi kiểm nghiệm, có được kết quả tốt mới tự tin bán tới người tiêu dùng.
Nhiều thời điểm khó khăn, cạn sạch tiền, anh Cương thậm chí còn phải khất nợ người làm công 6 tháng tới một năm. "Tôi khi ấy lại áp dụng "chiến thuật vườn nho" như khi đi vay tiền. Tôi dẫn người làm đi thăm các vườn nho tôi đã chuyển giao kỹ thuật thành công để các bác tin rằng, nỗ lực của tôi với sự giúp sức của các bác sẽ có ngày đơm hoa kết trái", anh Cương cười nói.
Những người nông dân chân chất thấy chàng trai trẻ tối ngày lăn xả ngoài đồng cũng thông cảm cho chậm lương. Họ coi đó như cách động viên, cổ vũ cho những người trẻ tâm huyết với đồng ruộng quê hương.
Ông Đặng Văn Cường, một nhân công làm vườn lâu năm cho anh Cương chia sẻ: "Không ai như Cương cả, chịu khó và có chút liều lĩnh. Thời gian đầu, người ngoài nhìn vào ai cũng lắc đầu không tin có thể kiếm ăn được ở cái đất này. Tôi ra nhìn cánh đồng toàn cỏ cũng thấy ngợp. Nhưng may mắn là sau bao nhiêu nỗ lực, những tín hiệu tốt đang đến với cậu ấy".
Không chỉ phát triển vườn nho tại địa phương, anh Hoàng Văn Cương còn chuyển giao kỹ thuật cho 9 nhà vườn với diện tích lên tới 7 hecta tại một số tỉnh như Hà Nam, Nghệ An, Lạng Sơn...
Vợ chồng anh Cương đồng hành cùng nhau qua những giai đoạn khó khăn.
Chàng kỹ sư nông nghiệp không giữ riêng bí mật trồng nho ngon cho mình mà còn chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Có gia đình cầm cả sổ đỏ lấy tiền thuê đất nhưng nho trồng ra quả chát không bán được.
Biết chuyện, anh Cương lại phi xe máy đến tận nơi tìm cách khắc phục. Nhiều chuyến đi dài, giúp được vườn bạn thì anh lại bỏ bê vườn nhà, khiến nhiều cây trái đôi khi không đạt sản lượng như mong muốn.
Năm 2023 này, thời tiết thuận lợi, anh Cương sẽ thu được 3 tấn quả đợt một. Doanh thu cả năm dự kiến đạt gần 1 tỷ đồng. Các đầu mối sau một vài đợt hàng đã an tâm nhập nho của anh Cương với giá trên 125.000 đồng/kg.
Vừa qua, anh Cương được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 trong lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế.
Tổng sản lượng và thu nhập mỗi 1ha nho khoảng 10 tấn/năm. Với đà tăng trưởng đều đặn của vườn nho ở Hà Nội, Lạng Sơn và các vườn nho liên kết, anh Cương có thể thu lời tiền tỷ mỗi năm.
Xuất phát trồng nho từ nhu cầu cải thiện cuộc sống của gia đình, nhưng khi đã bắt tay vào làm, anh Cương càng làm càng say. Mỗi lần khi gặp khó khăn hay nghe thấy những lời bàn tán đầy nghi hoặc, anh Cương lại càng quyết tâm.
Anh hy vọng mô hình trồng nho không hạt sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành ở Việt Nam để đóng góp cho sự phong phú của thị trường hoa quả nội địa và chứng minh khát vọng "người ta làm được, người Việt mình cũng làm được".
Nội dung: Toàn Vũ, Phạm Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Comentarios