top of page
Ảnh của tác giảOFREZH EDITOR

PHẦN 2. BÁO CÁO THAM LUẬNTHỰC TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

2. Những vấn đề chính về ô nhiễm môi trường sản xuất trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay





Ngành nông nghiệp chia làm 7 tiểu lĩnh vực chính bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, phát triển nông thôn (làng nghề truyền thống) và thuỷ lợi. Các hoạt động sản xuất trong các tiểu lĩnh vực này đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định tới chất lượng môi trường và thực trạng cho thấy chúng đã có những tác động nhất định tới chất lượng môi trường ở những mức độ và quy mô khác nhau. Đối với vùng ĐBSH, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và phát triển nông thôn là những nguồn gây ô nhiễm chính do đặc điểm quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều vật liệu, hoá chất đầu vào, lượng chất thải phát sinh lớn và các hoạt động sản xuất đều tác động trực tiếp tới môi trường đất, nước và không khí.

2.1. Phát triển nông nghiệp và sức ép lên môi trường

· Hoạt động trồng trọt

Trong trồng trọt, sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Theo ước tính, hằng năm có đến 50% - 70% lượng phân bón vô cơ không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường. Nước thải từ hoạt động chuyên canh nông nghiệp có chứa các thành phần độc hại như hóa chất BVTV, phân bón hóa học nêu trên đã và đang gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt các khu vực lân cận. Song song với việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV tràn lan, lượng CTR phát sinh từ hoạt động trồng trọt, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Theo báo cáo công tác BVMT của Bộ NNPTNT, năm 2019, ước tính có 438.032 kg bao gói, chai đựng thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, trong đó đã tiêu huỷ 346.013 kg (chiếm 79%) Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng các bể chứa bao gói, chai đựng thuốc BVTV đặt tại đầu bờ ruộng, tuy nhiên, lượng bể chứa đáp ứng yêu cầu còn khá thấp, do đó vẫn còn lượng lớn bao bì bị thải bỏ ngay tại đồng ruộng. Như tại Quảng Ninh, tỷ lệ đáp ứng số lượng bể chứa bao bì thuốc BVTV cần thiết chỉ đạt 9,5%, tại Nam Định đạt 31%, Vĩnh phúc chỉ đạt 6,9%.

Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ, phụ phẩm từ cây trồng chính phát sinh với khối lượng lớn. Ước tính phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh trên cả nước ước xấp xỉ 100 triệu tấn, trong đó lớn nhất là cây lúa với trên triệu tấn, cây mía xấp xỉ 17 triệu tấn, các loại khác như sắn, ngô, cà phê, đậu tương khoảng gần 26 triệu tấn. Chỉ một phần phụ phẩm từ cây trồng được tái chế, tái sử dụng, phần còn lại bị đốt bỏ ngoài ruộng, gây hiện tượng khói mù cục bộ cho vùng lân cận sau thu hoạch mỗi mùa vụ.

Việc đốt rơm rạ tự phát, không kiểm soát làm phát sinh các khí CO, NOx, bụi mịn... ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Đặc biệt, ở một số địa phương, tình trạng đốt rơm rạ trên đường không những ảnh hưởng đến môi trường mà gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông

· Hoạt động chăn nuôi

Giai đoạn 2016 – 2020, ngành chăn nuôi đã phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn: khủng hoảng giá thịt lợn năm 2017; dịch tả lợn châu Phi 2019 diễn ra trên khắp cả nước; cúm gia cầm (chủng A/H5N6 và A/H5N1) và lở mồm, long móng trên các đàn trâu hoành hành với hàng chục ổ dịch rải rác ở các địa phương dẫn đến thiếu hụt nguồn cung năm 2020. Dịch bệnh gia tăng và bùng phát trên cả nước dẫn đến tình trạng người chăn nuôi vứt lợn chết ra đường, xuống sông, kênh, vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Mặc dù dịch bệnh trong chăn nuôi gia tăng, tuy nhiên thời gian qua các trang trại chăn nuôi tập trung ngày càng được mở rộng về quy mô và diện tích, do đó số lượng gia súc, gia cầm vẫn duy trì ổn định ở mức 30 triệu con gia súc và 400 triệu con gia cầm/năm. Với số lượng thống kê đầu gia súc, gia cầm, vật nuôi trên phạm vi cả nước, hàng năm sẽ thải ra lượng rất lớn chất thải rắn (CTR), nước thải có chứa các chất độc hại, một số kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh, nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước mặt và nước ngầm nếu như không có các biện pháp thu gom xử lý đúng kỹ thuật. Ước tính trong năm 2020, lượng CTR từ chăn nuôi đạt 89,95 triệu tấn.

Để xử lý chất thải trong hoạt động chăn nuôi, bên cạnh các biện pháp phổ biến như biogas, tách phân, đệm lót sinh học, ủ phân compost, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều mô hình thí điểm như mô hình chăn nuôi lợn tiết kiệm nước. Các mô hình này thực hiện theo quy trình khép kín, từ chăn nuôi - trồng trọt (sử dụng chất thải chăn nuôi) - chăn nuôi, đã phát huy hiệu quả, vừa xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng thu nhập cho người dân. Việc tận thu, tái sử dụng chất thải chăn nuôi cho các mục đích sử dụng khác (như nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, nuôi giun và các loại hình sản xuất nông nghiệp khác) cũng bắt đầu áp dụng tại một số địa phương, đây là giải pháp tốt cần được nhân rộng trong thời gian tới.

· Hoạt động nuôi trồng thủy sản

Bên cạnh những thành tựu về mặt kinh tế, áp lực môi trường trong nuôi trồng thủy sản (thiên tai, dịch bệnh, xử lý thức ăn dư thừa) là một trong những vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Việc phát triển các đầm, ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi cư trú của quần xã sinh vật, thay đổi về môi trường, lắng đọng trầm tích và nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển. Hơn nữa, tại một số khu vực nuôi tôm, cá tập trung (trong đó có nuôi trên cát), việc xả thải các chất hữu cơ, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt bừa bãi làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như môi trường. Hiện tại, việc kiểm soát nước thải của các cơ sở, hộ nuôi gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch chi tiết. Việc nuôi thả thường diễn ra với mật độ cao hơn so với quy định, không cân đối giữa mật độ thả với lượng thức ăn dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao nuôi làm ô nhiễm môi trường nước. Theo ước tính năm 2018 của Bộ NNPTNT, tổng lượng CTR phát sinh đạt trên 3,1 triệu tấn cùng với đó là gần 35,3 triệu m3 nước thải.

3. Thực trạng ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSH

3.1. Ô nhiễm môi trường đất từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2020, nhìn chung chất lượng môi trường đất ở Việt Nam khá tốt, tuy nhiên môi trường đất nông nghiệp xung quanh khu vực có hoạt động công nghiệp tập trung hay các vùng chuyên canh nông nghiệp đã có dấu hiệu bị suy giảm, đặc biệt tại vùng ĐBSH là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và có mức độ thâm canh cao. Một số khu vực đất bị ô nhiễm nghiêm trọng tồn lưu hoá chất BVTV đã được xử lý, khắc phục trong giai đoạn này. Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, hàm lượng hữu cơ trong đất đều có dấu hiệu suy giảm, rõ nhất trên đất chuyên canh rau và hoa cây cảnh, bên cạnh đó là dấu hiệu bị chua hóa.

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, ở Việt Nam, hiệu suất sử dụng phân đạm chỉ đạt từ 30 - 45%, lân từ 40 - 45% và kali từ 40 - 50%. Trong thực tế sản xuất, việc nông dân sử dụng phân bón cao hơn nhiều so với lượng khuyến cáo đã diễn ra rất nhiều năm nên một số dưỡng chất như đạm, lân lưu tồn trong đất với lượng rất lớn.

Ngoài ra, nông dân thường chỉ chú trọng bón phân hóa học mà không quan tâm đến phân hữu cơ. Trong khi đó, việc bón các loại phân chuồng các loại phân ủ hoai mục (phân chuồng, phân xanh), phân hữu cơ vi sinh... là vô cùng cần thiết nhằm tăng cường lượng vi sinh vật trong đất và trả lại cho đất lượng dinh dưỡng hữu cơ mà cây trồng đã lấy đi. Việc chỉ bón phân hóa học, đặc biệt là các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý như K2SO4, KCl, super phosphat... còn gây chua hóa đất, nghèo kiệt các cation kiềm và làm xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất như ion Al3+, Fe3+.

Đối với đất trồng rau, nông dân thường bón nhiều đạm và không đảm bảo thời gian cách ly, đặc biệt đối với rau ăn lá. Người dân chủ yếu sử dụng phân hóa học do hiệu quả nhanh, lượng phân sử dụng thường cao hơn khuyến cáo từ 1,1 - 1,6 lần, điều này diễn ra khá phổ biến tại một số vùng chuyên canh rau. Bên cạnh đó, thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng cũng đang được sử dụng rất phổ biến trong canh tác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy hầu hết nông dân sử dụng thuốc BVTV không theo hướng dẫn (không đúng liều lượng, chủng loại và thời gian cách ly sau khi phun...). Lượng thuốc sử dụng cao gấp 2 - 3 lần so với khuyến cáo (chiếm 58,3% số hộ được điều tra).

Các vùng thâm canh rau, hoa, chè đều có dấu hiệu suy thoái, chua hoá đất sản xuất. Hàm lượng hữu cơ có xu hướng giảm trên đất trồng chè tại Tân Cương và đất trồng hành tại Hiệp Hòa (giảm từ mức giàu ở thời kỳ 2015 - 2018 xuống mức trung bình ở thời kỳ 2019 - 2020). Kết quả điều tra cũng cho thấy đất trồng chè Tân Cương trong 03 năm gần đây bị chai cứng, khó canh tác hơn, năng suất chè giảm.

Hiện tượng phú dưỡng lân đã xuất hiện ở một số khu vực sau thời gian thâm canh sản xuất nông nghiệp. Hàm lượng lân dễ tiêu trong đất trồng chè tại Tân Cương (Thái Nguyên) là 36,83 - 74,42 mg/100g, trong đất trồng lúa màu tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) là 32,16 mg/100g, trong đất trồng rau tại Lĩnh Nam (Hà Nội) là 30,94 mg/100g. Kết quả điều tra nhiều năm cũng cho thấy, trong quá trình canh tác, lượng phân lân được sử dụng để bón cho một số loại rau, hoa tại các điểm quan trắc trên khá lớn (100 - 190 kg P2O5/ha/vụ đối với rau, 180 - 450 kg P2O5/ha/vụ đối với hoa), cao gấp 1,0 - 1,9 lần lượng khuyến cáo. Trong khi đó, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 30% tổng lượng lân bón, lượng tồn dư tích lũy trong đất từ vụ này sang vụ khác cộng thêm lượng được bổ sung cho vụ mới đã làm cho hàm lượng lân dễ tiêu tăng cao tại khu vực này. Trong giai đoạn 2016 - 2020, xu thế tích lũy lân ngày càng tăng trong đất vùng thâm canh nông nghiệp.

Về nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng, tại các vùng chuyên canh rau, đất đã có hiện tượng bị ô nhiễm Cu và Cd. Xét trong giai đoạn 2016 - 2020, hàm lượng Cu và Cd trong đất chuyên canh rau, mía khu vực ĐBSH có xu hướng gia tăng.

10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả