4. Thách thức và giải pháp đối với vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSH
4.1. Thách thức
BĐKH sẽ tiếp tục diễn ra dẫn đến những tác động tiêu cực đối với kinh tế, môi trường và xã hội: suy thoái đất đai và hệ sinh thái, giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản, tàn phá cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giảm năng suất lao động do nhiệt độ tăng cao, gia tăng dịch bệnh và các rủi ro về sức khỏe. Theo dự báo, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại vượt ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với BĐKH.
Công tác BVMT trong ngành nông nghiệp vùng ĐBSH trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý chất thải, với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của chất thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa BVMT với phát triển KT-XH; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số.
Môi trường đã và đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các nguồn ô nhiễm môi trường đang gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường đã chậm lại, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như: xử lý CTR bao gồm chất thải nhựa, chất thải rắn chăn nuôi chưa hiệu quả do quá trình thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; đất nông nghiệp đang bị khai thác quá mức do quá trình thâm canh không bền vững, làm dụng hoá chất nông nghiệp, dẫn đến đất bị suy thoái, giảm sức sản xuất; các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng.
Ứng dụng công nghệ cao với những chu trình sản xuất hiện đại, khép kín chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về Khoa học Công nghệ, trình độ lao động của vùng. Trong thời gian tới cần đầu tư nghiên cứu, tiếp tục cải tiến về mặt công nghệ sản xuất, xác định những công nghệ thực sự hiệu quả, phù hợp với điều kiện vùng ĐBSH, tránh tình trạng đầu tư lãng phí mà không hiệu quả.
4.2. Giải pháp
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật BVMT 2020, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo định hướng bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động tích cực triển khai giải pháp thích ứng với BĐKH, thiên tai;
- Xây dựng các chiến lược, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững để chủ động phòng ngừa các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường. Nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình, dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5 - 10 năm tới,
- Tiếp tục tăng cường tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực về bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới của Luật BVMT 2020.
- Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa, nguồn hợp tác quốc tế
- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các hoạt động có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường
- Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Các tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, trong đó có việc kiểm kê nguồn thải, xác định nguyên nhân/ đóng góp của các nguồn thải đối với ô nhiễm không khí của địa phương, xác định và triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí.
- Tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát các nguồn thải ra các lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi quản lý của vùng.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phòng ngừa xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước.
- Tiếp tục điều tra, đánh giá, lập danh mục các khu vực đất ô nhiễm theo quy định và đề xuất kế hoạch xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất tại các khu vực này.
- Tăng cường kiểm soát dư lượng hóa chất, thuốc BVTV, thuốc thú y, chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định của pháp luật.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước và điều hành tác nghiệp. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu theo các nhóm về: nguồn thải, chất thải, chất lượng môi trường (gồm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường)
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình điển hình về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn
- Thực hiện chương trình truyền thông mạnh mẽ để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn người dân tham gia BVMT
- Phát hiện, nêu gương, tạo được phong trào, nhân rộng các điển hình, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về môi trường; thúc đẩy các nhân tố tích cực, điểm sáng, khu vực, địa bàn, lĩnh vực điển hình về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường.