google-site-verification=jRjfwAInIBlCOQLL2nuNSXgT2JDoZmDqGFSvThq0VFo
top of page

13-10-2024: Mừng ngày Doanh nhân của chúng ta: Thơ, tục ngữ, ca dao, thành ngữ về kinh doanh, buôn bán

1 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 1

Nước mạnh, dân giàu bởi có anh,
Doanh nhân vững bước, lập nên - thành,
Không nề khổ ải - say trời rộng,
Vắt óc từng đêm - thức trọn canh!
Việc khó - tiên phong dẫn trước-đầu;
Khai nguồn, mở lối, khó vì đâu;
Nhìn người, học kẻ xa gần - bước;
Ngợi ngẫm sao cho nước, thế sâu!
Năm canh bỏ trắng - thức đợi mai,
Vật lộn bao phen - chí khí dai;
Luận, tính ,suy, nghiền sao bước tiếp,
Thong dong mắt hướng - định tương lai!
(Tác giả: Đức Hiền)

2 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 2

Cân nhắc từng li cũng là vì
Đi trật một tý chẳng ra chi
Thông minh nhạy bén thật là quý
Có gan bền chí phất tức thì !
(Tác giả: Thi Ngọc Lan)

3 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 3

Mấy chục năm rồi kiếp doanh nhân
Lên voi xuống chó cũng đôi lần
Thương trường khó lắm thời hiện đại
Nhiều vốn,lắm tài đức mới nên.
(Tác giả: Hoàng Nghĩa)

4 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 4

Doanh nhân nào chẳng mong thành đạt
Bản lĩnh kinh doanh phải vững vàng
Cần biết hành nghề theo luật pháp
Phát huy truyền thống mộng giầu sang.
(Tác giả: Võ Thanh Cường)

5 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 5

Việt Nam dân tộc giống rồng tiên,
Cần kiệm thông minh sống thảo hiền.
Gái đảm trai tài xây dựng Đảng,
Dân giàu nước mạnh quý thiên nhiên.
(Tác giả: Vũ Hữu Cự)

6 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 6

Đời doanh nhân mồ hôi hòa nước mắt!
Tặng Cao Văn Tuấn và các doanh nhân bạn tôi.
Anh nâng cốc giữa mùa thu Hà Nội
Lời trâm ngâm như gió thoảng qua chiều:
"Đời doanh nhân mồ hôi hòa nước mắt
Đã bao giờ đong để biết bao nhiêu..."
Tôi đâu biết sáng nay anh dậy sớm
Chỉ kịp dằn lòng một gói mì tôm
Rồi vội vã lao ra đầu phố
Gọi cho mình một cuốc xe ôm.
Tôi đâu biết anh vừa đem nữ trang ngày cưới
Cùng với chiếc xe của con gán cho hiệu cầm đồ
Ghim tủi nhục, anh lao vào bàn tiệc
Cùng với bạn bè cao giọng zô.. zô!
Tôi đâu biết có chiều ba mươi tết
Anh cắm xe và cắm cả ngôi nhà
Trả hết thưởng lương cho người lao động
Anh vẫn không quên tặng họ mấy phần quà
Tôi đâu biết trong năm chỉ có ba ngày tết
Anh được thảnh thơi thoát khỏi nợ nần
Mồng bốn tết lại lao đầu vào việc
Lại dập dìu chủ nợ đứng ngoài sân...
Tôi đâu biết anh chỉ thầm mong ước
Có một ngày không điện thoại, email
Một mình đến một nơi xa lạ
Nằm quay lơ, ngủ một giấc dài...
Tôi đâu biết đời doanh nhân cơ cực
Chỉ thấy nhà cao, hàng hiệu, xe sang
Và mỗi bận thiên tai, bão lũ
Lại thấy các anh hô: Xin được sẵn sàng!
Nhưng tôi biết doanh nhân như người lính
Đã lên yên là chỉ tiến, không lùi
Bởi đằng sau các anh không chỉ là tiền bạc
Mà còn có biết bao số phận những con người.
Tôi còn biết nếu anh nhụt chí
Là nhân viên tháng đó không lương
Có người bệnh già không có thuốc
Có em thơ dang dở chuyện đến trường...
Và tôi biết giữa chiều thu Hà Nội
Anh nâng cốc bia, đôi mắt mơ màng
Tôi biết có bao điều anh đang nghĩ
Bởi đời doanh nhân không có phút thư nhàn.

7 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 7

HƯƠNG TRƯỜNG
Tôi và bạn dọc thương trường xuôi ngược
Xuất nhập ít nhiều ai đã hơn ai
Khi lãi lớn: xe hơi em tựa
Lúc lỗ nhiều: mơ bữa cơm niêu

8 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 8

ĐẾM SÓNG
(Tặng giám đốc doanh nghiệp)
Anh ngồi đếm sóng biển đêm
Biết mình tan, cứ nhoài lên hôn bờ.
Thương trường lời, lãi hư vô
Gia tài khoe biển: Nửa bờ đảo em.

9 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 9

KHẾ ƯỚC
(Tặng em tín dụng, ngân hàng)
Gặp ánh mắt em, trong khế ước ngày nào?
Lo thấp thỏm : bản hợp đồng quá hạn
Cứ vay mãi, tồn kho chưa quyết toán
Hai phía đời quên, nhớ, gió chông chênh.

10 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 10

MÙA XUÂN VÀ CÂY CẦU
(Tặng những người đi xây cầu)
Con đò bỏ dòng sông đi... Viễn xứ
Để cây cầu trằn trọc.... thức canh khuya
Nằm vắt vẻo, gối hai bờ thế kỷ
Mơ người xa: Xuân đến sắp quay về...!

11 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 11

DẶM DÀI TRỜI BIỂN
(Tặng cháu Linh Thanh và các cô gái tiếp viên hàng không trên các chuyến bay)
Anh bay qua mấy vùng trời
Gặp em ánh mắt, nụ cười, tiếng quê!
Bờ vai chưa thả tóc thề...
Câu chào, lời hẹn lỡ về phương ai?
Vút lên...trời, biển dặm dài...
Còn anh: Hụt hẫng... phía ngoài đường băng!

12 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 12

VỐN TRỜI
Ngày xưa một vốn bốn lời
Bây giờ một vốn ngàn lời cảm ơn
Lãi ròng liệu có còn không
Hay là chi hết vào trong mời chào
Anh đi buôn tự thủa nào
Tây, tàu nam bắc mấy sào ruộng riêng
Nay tìm thơ gửi tặng em
Như tìm thương hiệu nỗi niềm nước non
Lãi lời là khoản cỏn con
Nước nhà, bè bạn em còn phần không?
Em ơi lời lãi của chung
Riêng em là vốn trời mừng tặng anh.

13 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 13

CÁNH BUỒM KHẾ ƯỚC
Cánh buồm anh nghiêng ngả nỗi nềnh
Chở nặng nợ, lênh đênh chưa cập bến
Sóng lãi suất, cứ dập dồn trên biển
Nhấn chìm anh theo trăng gió phương nào
*
Hợp đồng ấy néo ta vào nhau
Thương anh quá, đôi lần em gia hạn
Chờ nắng hạ, lãi suất trần xuống chẵn
Hẹn xuân này:
- Khế ước có còn không?

14 Thơ chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam số 14

Biết mạnh yếu bản THÂN
Môi trường nắm như THẦN
Trí tuệ luôn tinh TẤN
Bỏ ngay thói sân HẬN
Suy xét đầy minh MẪN
Chặn mưu hèn kế BẨN
Sứ mệnh như cổ NHÂN
Tầm nhìn theo cao NHÂN
Chẳng ngại ngần dấn THÂN
Làm cả việc tay CHÂN
Để hiểu biết tường TẬN
Luôn phát triển bản THÂN
Biết xác định nguyên NHÂN
Khi kinh doanh lận ĐẬN
Có lúc bác thằng BẦN
Không mê tín cầu KHẤN
Tránh đổ thừa thời VẬN
Xem cấp dưới tựa THÂN
Coi họ là ân NHÂN
Nhân viên luôn xung TRẬN
Không có chuyện gian LẬN
Quyết không dùng người THÂN
Khôn khéo với tiểu NHÂN
Nhũng nhiễu được vạch TRẦN
Quy trình nhiều cách TÂN
Bán cái khách hàng CẦN
Phục vụ đến tận CHÂN
Cho nhiều rồi mới NHẬN
Ý tưởng như địa CHẤN
Khách hàng đến rần RẦN
Giá trị cứ vang NGÂN
Thương hiệu tựa rồng LÂN
Thị phần cứ thế LẤN
Tài chính luôn biết CÂN
Thành công đến tận SÂN
Lợi nhuận vô cùng TẬN
Lối sống thôi lấn CẤN
Tư tưởng hết phân VÂN
Công tư không nhầm LẪN
Nhiều ý tưởng xuất THẦN
Chẳng bao giờ túng BẤN
Làm gương và chỉ DẪN
Trăm nhân viên cần MẪN
Nhiều quản lý thân CẬN
Tuyệt không thêm tình NHÂN
Gia đình vui quây QUẦN
Sống đời sống tình THÂN
Bản thân luôn tự VẤN
Dịch không phải số PHẬN
Cùng đất nước vì DÂN
Thành danh nhờ chữ NHẪN
Vì mình là doanh NHÂN.
(Tác giả: Hạnh Phúc)




CA DAO TỤC NGỮ VỀ CHUYỆN BUÔN BÁN

Buôn đầu chợ bán cuối chợ
Buôn buồn bán cho đĩ dại
Buôn buồn bán cho thằng ngây
Buôn cạn gặp năm hồng thủy
 
Buôn chín bán mười
Buôn có bạn bán có phường
Buôn danh bán tiếng
Buôn gặp chầu câu gặp chỗ
 
Buôn gánh bán bưng
Buôn gian bán lận
Buôn hương bán phấn
Buôn một lãi mười
Buôn may bán đắt 
Buôn ngược bán xuôi
Buôn Ngô buôn tàu không giàu bằng hà tiện
 
Buôn quan tám bán quan tư
Lạy tiên sư, lời tư tiền
Buôn quan tám bán quan tư
Ông Thánh sư, được lãi tư tiền
 
Buôn sống bán chết
Buôn tảo bán tần
Buôn tần bán Sở
 
Buôn tận gốc bán tận ngọn
Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện
Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè lỗ miệng
Buôn thất nghiệp ăn quan viên (đãi quan viên)
 
Buôn thần bán thánh
Buôn thua bán lỗ
Buôn thúng bán bưng
Buôn thúng bán mẹt
Buôn thuyền buôn vã chẳng đã hà tiện
Buôn trầm bán hương
Buôn tranh bán cướp
Buôn vườn tạo ngõ
Khéo tay nắng nỏ bán cả ngõ lẫn vườn
Buôn vạn bán nghìn




Tục ngữ Ca dao Việt nam + Nghề buôn bán

Tục ngữ Ca dao  : Nghề buôn bán
k. Nghề buôn bán :
+ Mười người đi buôn không bằng một người lộn đất .
( lộn đất = cuốc đất )
+ Tiền ra khỏi cửa tiền đẻ ,
Tiền ở trong nhà tiền chửa .
+ Mua bán chợ đen , thân quen nhiều ngách .
+ Mua lạy bán dạ .
+ Đi buôn nhớ phường , đi đường nhớ lối .
+ Buôn có bạn , bán có phường .
+ Buôn chung , bán riêng , lời ăn lỗ chịu .
+ Mua đoạn bán rồi .
+ Quan muốn sang , nhà hàng muốn đắt .
+ Khách nhớ nhà hàng , nhà hàng không nhớ khách .
+ Một trăm người bán , một vạn người mua .
+ Ăn thì cho , buôn thì so .
+ Ăn lãi có chốn , bán vốn có nơi .
+ Bán hàng nói thách , làm khách trả rẻ .
+ Đắt ra quế , ế ra củi .
+ Quen mặt đắt hàng .
+ Rẻ tiền mặt , đắt tiền chịu .
+ Bán chịu mất mối hàng .
+ Nể cô nể gì còn gì là vốn .
+ Khỏi lỗ thì vỗ vế .
+ Cầm mất lãi , chẳng bằng vãi ngay đi .
+ Thà bán đổ còn hơn xách rổ về không .
+ Chẳng được ăn cũng lăn lấy vốn .
+ Thà cho nhau vàng không thà đem đàng đi buôn .
+ Rẻ mua chơi , đắt nghỉ ngơi đồng tiền .
+ Mua thì thêm , chêm thì chặt .
+ Trong nhà có vàng , mua hàng cũng bớt .
+ Phải thì mua , vừa thì bán .
+ Mua lầm bán không lầm .
+ Tiền thật mua của giả .
+ Tiền trả , mạ nhổ .
+ Tiền trao cháo múc .
+ Tiền trao ra , gà bắt lấy .
+ Mua đầy bán vơi .
+ Buôn gian bán lận , buôn mận bán đào .
+ Đi buôn nói ngay bằng đi cày nói dối .
+ Bán mướp đắng giả làm bầu .
+ Bán mạt cưa , giả làm cám .
+ Lắm mồm chị hàng cá , lắm lá chị hàng nem .
+ Hàng thịt nguýt hàng cá , hàng cá đá hàng tôm .
+ Buôn trầu gặp nắng , buôn đường gặp mưa .
+ Mua áo thì rẻ , mua giẻ thì đắt .
+ Ham sáu đồng lãi , mất năm mươi tư đồng tiền vốn .
+ Đi buôn lỗ vốn , làm ruộng mất mùa .
+ Được mùa buôn vải buôn vóc
Mất mùa buôn thóc buôn gạo .
+ Bán gạo tháng tám , mua gạo tháng ba .
Ca dao :
+ Đầu cơ buôn lậu ,
Trúng quả lãi to .
Rủi ro cụt vốn ,
Chạy trốn nhanh chân .
+ Dò sông , dò biển dò người ,
Biết đâu được bụng lái buôn mà dò .
+ Lái buôn , lái lợn , lái bò
Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào .
+ Giả vờ buôn vịt bán gà ,
Buôn đường bán mật , buôn cà bán dưa .
+ Gái này là gái chẳng vừa ,
Gái buôn vải tấm , gái lừa vải con .
+ Gái này là gái chẳng non ,
Gái lường chợ Quán , gái buôn chợ Cầu .
+ Nào ai cấm chợ ngăn sông ,
Ai cấm chú lái thông đồng con buôn .
+ Người trời thì bán chợ trời ,
Hễ ai biết của biết người thì mua .
+ Ruộng gần thì bỏ chẳng cày ,
Chợ xa nhiều gạo , mấy ngày cũng đi .
+ Đắt hàng cùng ả cùng anh ,
Ế hàng gặp những thông manh quán gà .
+ Chưa buôn thì vốn còn dài ,
Buôn thì vốn đã theo ai mất rồi .




Những câu ca dao, tục ngữ về kinh doanh
Chợ đang đông em không toan liệu,

Chợ tan rồi em bán chịu không ai mua.
  1. Mười người đi buôn không bằng một người lộn đất.
  2. Mua lạy bán dạ.
  3. Đi buôn không lỗ thì lời,

    Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng.
  4. Đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối.
  5. Buôn chung, bán riêng, lời ăn lỗ chịu.
  6. Quan muốn sang, nhà hàng muốn đắt.
  7. Một trăm người bán, một vạn người mua.
  8. Ăn thì cho, buôn thì so.
  9. Ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi.
  10. Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ.
  11. Đắt ra quế, ế ra củi.
  12. Rẻ tiền mặt, đắt tiền chịu.
  13. Bán chịu mất mối hàng.
  14. Nể cô nể dì còn gì là vốn.
  15. Thà bán đổ còn hơn xách rổ về không.
  16. Rẻ mua chơi, đắt nghỉ ngơi đồng tiền.
  17. Mua thì thêm, chêm thì chặt.
  18. Trong nhà có vàng, mua hàng cũng bớt.
  19. Phải thì mua, vừa thì bán.
  20. Tiền trao cháo múc.
  21. Tiền trao ra, gà bắt lấy.
  22. Mua đầy bán vơi.
  23. Đi buôn nói ngay bằng đi cày nói dối.
  24. Buôn trầu gặp nắng, buôn đường gặp mưa.
  25. Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì đắt.
  26. Đi buôn lỗ vốn, làm ruộng mất mùa .
  27. Gái này là gái chẳng vừa

    Gái buôn vải tấm, gái lừa vải con.
  28. Gái này là gái chẳng non

    Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu.
  29. Nào ai cấm chợ ngăn sông

    Ai cấm chú lái thông đồng con buôn.
  30. Người trời thì bán chợ trời

    Hễ ai biết của biết người thì mua .
  31. Ruộng gần thì bỏ chẳng cày

    Chợ xa nhiều gạo, mấy ngày cũng đi.
  32. Đắt hàng cùng ả cùng anh ,

    Ế hàng gặp những thông manh quáng gà.
  33. Chưa buôn thì vốn còn dài,

    Buôn thì vốn đã theo ai mất rồi.
  34. Thuận mua vừa bán.
  35. Chẳng được ăn cũng lăn được vốn.
  36. Chẳng lo bán ế chợ ròng,

    Khách năng qua lại, đói lòng phải mua.
  37. Cái vòng danh lợi cong cong,

    Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.
  38. Bánh đúc mà đổ ra sàng

    Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua.
  39. Buôn ăn lãi, cãi mất công.
  40. Đi buôn có số, làm ruộng có mùa.
  41. Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi.
  42. Nhà giàu mua vải tháng ba

    Bán gạo tháng tám mới ra nhà giàu.
  43. Tiền buôn tiền bán thì để trong nhà, tiền cờ tiền bạc thì ra ngoài đường.
  44. Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn.
  45. Chớ bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa.
  46. Của ngon ai để chợ trưa.
  47. Tiền nào của ấy.
  48. Mua quan tám, bán quan tư.
  49. Buôn gặp chầu, câu gặp chỗ.
  50. Của rẻ là của ôi.
  51. Đắt xắt ra miếng.




Những câu thành ngữ buôn may bán đắt
Buôn may bán đắt
Buôn thất nghiệp, lãi quan viên
Thơm tay, may miệng
Trên bến, dưới thuyền
Buôn gặp chầu, cầu gặp chỗ

Triết lý kinh doanh qua những câu ca dao, tục ngữ buôn bán
Buôn có bạn, bán có phường
Bán quạt mùa đông, buôn bông mùa hè
Tiền trong nhà tiền chữa, tiền ra cửa tiền đẻ
Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi
Cả vốn lớn lãi
Trong vốn thì nài, ngoài  vốn thì buông
Có tiền buôn Đông, không tiền buôn Thái
Được mùa buôn vải vóc, mất mùa buôn thóc gạo
Phi thương bất phú
Đây là câu tục ngữ kinh doanh khá quen thuộc với chúng ta. Hai lần phủ định trong câu tục ngữ (phi, bất) đã khẳng định được tầm quan trọng của việc kinh doanh, buôn bán.

Nhất cận thị, nhị cận giang





Những câu ca dao, tục ngữ về đạo đức kinh doanh

Treo đầu dê, bán thịt chó.
  1. Ăn gian nó giàn ra đấy.
  2. Phước đức quý hơn bạc vàng

    Mấy người gian ác giàu sang ích gì?
  3. Buôn gian bán lận, buôn mận bán đào.
  4. Giả vờ buôn vịt bán gà

    Buôn đường bán mật, buôn cà bán dưa.
  5. Đầu cơ buôn lậu

    Trúng quả lãi to

    Rủi ro cụt vốn

    Chạy trốn nhanh chân.
  6. Dò sông, dò biển dò người

    Biết đâu được bụng lái buôn mà dò.
  7. Bán đong buông, buôn đong be.
  8. Mua đầy bán vơi.
  9. Lắm mồm chị hàng cá, lắm lá chị hàng nem.
  10. Hàng thịt nguýt hàng cá, hàng cá đá hàng tôm.
  11. Bán mướp đắng giả làm bầu.
  12. Bán mạt cưa, giả làm cám.
  13. Tiền thật mua của giả.
  14. Buôn tranh bán cướp.
  15. Đi buôn nói ngay không tày đi cày nói dối.
  16. Buôn tận gốc bán tận ngọn.




Nghề buôn xưa qua tục ngữ, cao dao

Nghề buôn từ xưa không được các triều đại phong kiến xem trọng. Chẳng những vậy, xã hội Việt Nam thời phong kiến còn xem thường những người làm nghề buôn bán. Họ gọi những người này là phường con buôn, bọn con buôn... Vì lẽ đó, nghề buôn đã không phát triển trong thời phong kiến ở Việt Nam.
Ngày xưa, người ta quan niệm rằng muốn tiến thân không có con đường nào khác ngoài con đường khoa cử. Chỉ có ở khoa cử mới làm nên danh giá con người, nâng bậc vị trí con người trong xã hội, mặc dù ai cũng biết rằng “phi thương bất phú”. Nhưng việc làm giàu do buôn bán lại không được xem trọng. Những người Nho học coi khinh việc làm giàu bằng con đường buôn bán, bởi vì họ quan niệm, làm giàu bằng nghề buôn là lừa gạt, là bất nhân, “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”.
Sau này nghề buôn được đánh giá cao hơn, được xã hội xem trọng hơn. Chuyện buôn bán và kinh nghiệm đã được người xưa đúc kết trong rất nhiều tục ngữ, ca dao. Trước tiên, muốn buôn bán trước hết phải có vốn “có bột mới gột nên hồ”. Lúc đầu vốn ít thì buôn bán nhỏ, sau này tích lũy được vốn nhiều thì buôn bán to. Nhưng có vốn lớn không phải là tất cả, mà người bán còn phải biết cách buôn bán, buôn bán sau cho lời nhiều, muốn vậy thì phải biết “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Muốn vậy phải chịu khó đi xa, đến tận nơi để bán thì mới bán được giá, chứ bán sang tay cũng chẳng lời nhiều. Ban đầu, nếu chưa có vốn thì đành chấp nhận cảnh “buôn gánh bán bưng”, “buôn thúng bán mẹt”, “buôn ngược bán xuôi”, thậm chí “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”, phải chịu vất vả “buôn Sở bán Tần”, hoặc:
Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi.

Vốn ít thì đành phải vất vả, chủ yếu là lấy công làm lời rồi sau đó mới tích lũy dần thành vốn to. Đó còn chưa kể lúc gặp phải cảnh “chợ chưa họp kẻ cắp đã đến”. Việc buôn bán đâu phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, “mua may bán đắt” mà thất thường từng lúc như “buôn trầu gặp nắng, buôn đàng gặp mưa”, hoặc:

Đắt hàng những ả cùng anh
Ế hàng gặp những thong manh quáng gà.

Kiếm được đồng tiền đâu phải là chuyện dễ, nhiều khi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chứ chẳng phải chuyện chơi. Nhưng như thế vẫn còn đỡ hơn những kẻ “bán mồm nuôi miệng”, “ăn như rồng uống, uống như rồng leo, làm như mèo mửa” hoặc giả những kẻ không làm được việc gì mà chỉ toàn khoác lác kiểu “bán trời không mời Thiên lôi”, “bán nắng cho trời, bán sấm cho Thiên Lôi”, nhưng thực ra chẳng làm được trò trống gì.

Khi đã chịu khó “buôn gánh bán bưng” một thời gian, tích lũy được số vốn lớn, người ta sẽ chuyển sang buôn bán lớn, bởi vì chỉ có buôn bán lớn mới có được lời to. Nhưng người buôn bán cũng phải dè chừng, bởi vì “thuyền lớn thì sóng lớn”, do đó người buôn bán phải tính toán kỹ, phải lao tâm khổ tứ nhiều việc so với lúc đầu buôn bán nhỏ:
Ông cả nằm trên sập vàng, cả ăn
cả mặc, lại càng cả lo
Ông bếp nằm trong xó tro, ít ăn, ít mặc,
ít lo, ít làm.
Nghệ thuật trong buôn bán ngoài việc biết chọn loại hàng còn phải biết chọn địa diểm để buôn bán. Đó là những nơi phải thuận lợi cho người tiêu dùng đến mua, “nhất cận thị, nhị cận giang”. Buôn bán ở chợ có đông đúc người qua lại, gần sông, nơi tấp nập người lên kẻ xuống thì mới có thể “buôn gặp chầu, câu gặp chỗ”, “buôn một bán mười”... Bên cạnh đó, người đi buôn cũng không nên đi buôn bán một mình vì dễ bị chèn ép về giá cả, mà phải “buôn có hội, bán có thuyền”.
Những người buôn bán khôn ngoan thì chẳng bao giờ “mua trâu, bán chả”, “mua vải bán áo” - nghĩa là đầu tư lớn nhưng thu lời về nhỏ giọt, không tương xứng với số vốn đã bỏ ra. Hoặc giả, buôn bán mà không biết nghiên cứu thị trường, không biết tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng thì chẳng khác nào “bán quạt mùa đông, buôn hồng mùa hè”. Do đó, buôn bán ngoài việc có đồng vốn, có nghệ thuật buôn bán còn phải có kinh nghiệm nữa. Chẳng hạn như, “bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa” vì thời tiết ấy bán không được giá... Buôn bán thì phải nghĩ đến đồng lãi, nhưng “ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi” để còn giữ mối làm ăn lâu dài. Hoặc giả, “trong vốn thì nài, ngoài vốn thì buôn” để làm sao vừa thu được lời vừa không làm mất khách.
Muốn gì thì muốn, trong việc buôn bán phải biết tính toán, không những thế mà còn phải tính kỹ nữa, bởi vì “lộn con tán bán con trâu”, “bút sa gà chết”; không nên “bán bò tậu ễnh ương, bán bò mua dê về cày”, “mua quan tám, bán quan tư”. Và điều quan trọng nữa là phải biết tiết kiệm, chứ không phải “có đồng nào xào đồng ấy”, “bóc ngắn cắn dài” thì có ngày cũng sập tiệm, có khi phải “bán vợ đợ con” để trả nợ. Cho nên, từ ngày xưa ông bà ta đã dạy “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. “Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có”, “năng nhặt chặt bị” đã tích lũy được nhiều tiền rồi thì phải biết dùng số vốn đó để đầu tư thêm cho công ăn việc làm để sinh thêm đồng lời nữa. Bởi vì “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ” còn nếu không thì cũng chẳng qua là “tiền dư thóc mục”.
Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã biết coi “khách hàng là thượng đế” rồi. Vì vậy, người ta thường rỉ tai nhau “bán hàng chiều khách”, “bán rao chào khách”. Người buôn bán nét mặt phải tươi cười, nói năng phải nhỏ nhẹ, hòa nhã, khéo léo chiều khách để vừa lòng khách, để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, bởi vì “lời nói quan tiền, thúng thóc”, chứ không ai bán hàng mà lại nói với khách theo kiểu “bầu dục chấm mắm cáy” thì buôn bán làm sao thành công được. Bên cạnh đó, người buôn bán rút ra kinh nghiệm “bán chịu mất mối hàng”, cách tốt nhất trong buôn bán là “tiền trả mạ nhổ”, “tiền trao cháo múc”... trừ những mối làm ăn lâu năm, có uy tín thì họa may còn cho thiếu chịu được, chứ ngoài ra thì không nên. Trong buôn bán người xưa cũng khuyên không nên “bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ” mà chỉ nên “thuận mua vừa bán” để giữ được khách để mà làm ăn lâu dài, bởi vì “quen mặt đắt hàng”.
Trong những tình huống làm ăn không thuận lợi, thì kinh doanh trong nhiều trường hợp phải biết chấp nhận thất bại, chấp nhận lỗ để tuôn hàng ra mà sớm thu hồi đồng vốn về, vì vậy, có những trường hợp ngoài ý muốn thì người kinh doanh phải biết “bán rẻ còn hơn đẻ lãi”, “chẳng được ăn cũng lăn được vốn” chứ không phải chỉ biết ngâm hàng đợi đến lúc giá lên.
Một điều quan trọng trong buôn bán làm ăn là phải biết giữ chữ tín chứ không thể “ăn xổi ở thì” được. Thiếu nợ thì phải trả nợ, nói một là một, hai là hai, mua chịu phải nhớ, chứ không nên ăn quịt:
Mất trâu thì lại tậu trâu
Những quân cướp nợ có giàu hơn ai.
Muốn làm ăn lâu dài với nhau thì đừng quên “có qua có lại mới toại lòng nhau”, chứ không phải chỉ bo bo thủ lợi một mình. Bên cạnh đó, người buôn bán cũng phải biết giữ đạo đức trong kinh doanh. Không thể chấp nhận một ai đó làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, “bán mướp đắng giả làm bầu”, “bán mạt cưa giả làm cám”...
Đâu phải chỉ có việc người bán mới cần có kinh nghiệm, mà người mua cũng cần phải có kinh nghiệm, có nghệ thuật mua nữa, nếu không sẽ mua lầm, sẽ chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Hoặc không khéo thì “tiền chinh mua cá thối”, chỉ có những kẻ dại dột mới:
Vàng mười chê đắt không mua
Mua lấy vàng bảy thiệt thua
trăm đường.
Các mặt hàng phổ biến ngày xưa đều được người tiêu dùng truyền đạt kinh nghiệm để mà lựa chọn cho được miếng ngon, hàng tốt:
Mua thịt thì chọn miếng mông
Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.
Hoặc:
Mua cá thì phải xem mang
Mua bầu xem cuống mới toan
không lầm.
Hay: “mua trâu xem sừng, mua chó xem chân”. Thường thường thì “mua nhầm, bán không nhầm” cho nên người mua phải cẩn thận, lựa chọn kỹ, phải biết mặc cả, biết thêm bớt để “mua thì thêm, nêm thì nhặt”...
Ca dao, tục ngữ nói lên những kinh nghiệm, những nghệ thuật, những phương thức... kinh doanh của cha ông. Lẽ dĩ nhiên, mỗi thời mỗi khác, việc kinh doanh ngày nay không giống như ngày xưa, nhưng những gì được lưu truyền qua ca dao, tục ngữ sẽ mãi mãi là bài học hữu ích đối với những ai quan tâm đến chuyện kinh doanh.
Trần Quang Diệu
 
 
 

Commenti


bottom of page