top of page

Tổng hợp các loại Robot hút bụi



Bạn đang tìm kiếm một em robot hút bụi nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Hoặc bạn đang muốn nâng cấp nhưng thị trường có quá nhiều mẫu mã, mức giá, thương hiệu? Bài viết này sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan về thị trường robot hút bụi, lau nhà, giúp các bạn dễ lựa chọn hơn.



Robot hút bụi sẽ có nhiều phân khúc và tương ứng với các tính năng được trang bị. Vì vậy, mình cũng sẽ giới thiệu các tính năng theo từng phân khúc giá và một số mẫu robot từ các thương hiệu trong phân khúc đó.



Trong bài, mình chỉ đề cập đến những mẫu robot đang bán chính hãng ở Việt Nam, giá bán mình tham khảo trên các gian hàng chính hãng của thương hiệu tại Shopee và Lazada hoặc các đại lý chính hãng. Mức giá có thể thay đổi theo thời điểm.



Đây sẽ là một hình tóm tắt minh hoạ một số khác biệt chính, có thể nó sẽ không quá chính xác về tỉ lệ, nên các bạn đọc thêm nội dung bài nhé. Hình này để các bạn dễ hình dung hơn khi so các phân khúc mà thôi. Ngoài ra, trong bài mình sẽ tập trung chính vào những tính năng làm sạch và điều hướng, những tính năng bổ sung khác có thể mình sẽ không đề cập.

Phân khúc giá dưới 1 triệu

Với mức giá dưới 1 triệu, cụ thể là tầm 150,000đ chúng ta sẽ có một món đồ chơi xinh xinh trong hình hài của robot hút bụi. Với đầy đủ đặc tính của đồ chơi như bánh xe điều hướng đồ chơi, nó sẽ chạy vòng vòng đụng vào đâu là chuyển hướng đấy.

Vẫn sẽ có một mô tơ bên trong để hút bụi, nó vẫn sẽ hút được một số thứ nhẹ nhẹ vào đó. Chổi chính thường không có. Lực hút bao nhiêu có lẽ chỉ nhà sản xuất biết, cho dù mô tả sản phẩm có là 4000 Pa, các bạn cũng đừng tin. Cũng đừng nên đọc review vì cũng có rất nhiều lượt review ảo, dùng ảnh ảo của robot đắt tiền.

Tóm lại: đây là đồ chơi có ngoại hình của robot hút bụi, mua về cho trẻ con hay thú nuôi chơi vui vui thì được, còn mua về để hút bụi thì thôi, đừng.



Phân khúc giá 2-3 triệu

Tiếp đến là phân khúc giá tầm 3 triệu, giờ mới thật sự là robot hút bụi. Một điểm mà năm khác với năm ngoái, đó là 3 thương hiệu quen thuộc và có thị phần lớn là Ecovacs, Roborock và Dreame đều không còn bán sản phẩm trong phân khúc này.


Chúng ta còn một vài thương hiệu còn bán robot trong phân khúc này như Xiaomi, TP-Link, Mova (một thương hiệu mới vào thị trường)


Các bạn sẽ có những cấu hình sau trong phân khúc này:

Về cơ bản, robot trong phân khúc này vẫn sẽ hút được bụi, lực hút của phân khúc này đủ để hút sàn cứng, vì lực hút tối đa không cao nên nếu hút thảm sẽ ở mức tạm ổn.



Chức năng lau nhà chỉ là rê miếng giẻ ướt qua lại, nên sẽ vét nốt bụi mà hút chưa hết. Nhưng nếu giẻ quá bẩn, sẽ lôi bụi từ chỗ này qua chỗ khác. Đó là lý do một vài robot sẽ có lựa chọn cài đặt để sau một thời gian (như sau 10-15 phút), sẽ tạm dừng và nhắc bạn đi giặt giẻ. Hệ thống phân phối nước cho giẻ lau thường chỉ là 2 hoặc 3 điểm trên miếng giẻ, khi lau lâu sẽ ướt không đều miếng giẻ.

Việc di chuyển sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào thuật toán của nhà sản xuất, vì không có LiDAR, nên thường robot sẽ bắt đầu đâm vào 1 mép tường, rồi từ đó men theo mép để xác định viền ngoài, và rồi sẽ di chuyển zic-zac đẻ làm sạch bên trong. Một số tính năng như tường ảo hay tạo khu vực không dọn dẹp cũng sẽ hạn chế hơn những robot có cảm biến LiDAR



Vì không có cảm biến va chạm cao cấp mà thường chỉ là phần cản trước được gắn thêm công tắc hành trình để nhận diện va chạm, nên robot thường sẽ đâm vào đồ vật rồi mới nhận biết là có vật cản để đổi hướng. Thường ở những mẫu này sẽ không có cảm biến nhận diện thảm, có thể sẽ lao vào thảm cùng với miếng giẻ lau ướt, làm thảm bị bẩn và bị ẩm.



Với phân khúc này, thậm chí cả phân khúc cao hơn, khi mà robot chưa biết tự giặt giẻ, cá nhân mình chỉ coi nó là robot hút bụi, thường sẽ không dùng đến tính năng lau sàn vì khả năng lau sàn chưa thật sự hiệu quả.



Một số mẫu robot có thể tham khảo trong phân khúc này là: Xiaomi E10, Mova E10, Tapo RV10



Phân khúc giá 4-6 triệu

Với phân khúc này, phần lớn là nâng cấp về công nghệ điều hướng so với phân khúc trước, bao gồm:



Với việc nâng cấp lực hút lên tầm 4000-6000 Pa, việc hút bụi ở phân khúc này đã ổn hơn nhiều, có thể đạt mức tốt. Tuy nhiên, việc lau nhà vẫn chưa có nhiều cải tiến, vẫn chỉ lôi cái giẻ đi khắp nơi, một số mẫu có thể đã trang bị giẻ lau xoay, tuy nhiên lại chưa đi kèm dock tự giặt giẻ, người dùng vẫn phải giặt giẻ thủ công. Nên với robot ở phân khúc này, mình vẫn thường không dùng tính năng lau sàn.



Nâng cấp đáng kể nhất đó là hệ thống định vị LiDAR, nhận biết dễ nhất là con robot nào cũng sẽ có 1 cục u trên đầu. Đây là công nghệ cảm biến laze, sẽ quay 360 độ để quét tường và xác định khoảng cách, hỗ trợ việc vẽ bản đồ chính xác, và giúp robot biết vị trí của nó trong không gian, giúp khả năng di chuyển chính xác hơn. Từ đó chúng ta cũng có thêm tính năng vệ sinh một khu vực tuỳ chọn trên bản đồ.


Cũng nhờ LiDAR, robot cũng bắt đầu có bản đồ nhiều tầng, thay vì chỉ lưu được 1 bản đồ thì robot sẽ có thể lưu 3 bản đồ. Một số mẫu sẽ tự nhận diện được vị trí thực tế để tự chọn bản đồ, một số mẫu vẫn sẽ phải chọn thủ công.



Trong một số model, LiDAR được tinh chỉnh để xác định mép tường tốt, robot thậm chí không cần đâm vào tường để xác định mép tường bằng cảm biến va chạm phía trước nữa.



Một số mẫu được trang bị cảm biến vật cản phía trước để tránh đồ vật như chân bàn, chân ghế, các món đồ lớn ở trên sàn. Tất nhiên cảm biến vật cản ở phía trước của phân khúc này vẫn là dạng cơ bản, tức là chỉ nhận diện được vật cản có kích thước lớn, nếu vật nhỏ quá, có thể robot sẽ không nhận diện được.



Một nâng cấp khác đó là cảm biến nhận diện thảm, để robot sẽ chủ động tăng lực hút lên mức cao hơn khi phát hiện thảm nhằm hút hiệu quả hơn, hoặc nếu đang có giẻ lau ướt sẽ tránh không đi vào thảm.



Pin của phân khúc này cũng được cải thiện hơn để đem lại thời gian làm việc lâu hơn và cũng là mức tiêu chuẩn cho gần như mọi phân khúc từ đây trở lên.



Một số mẫu trong phân khúc này: Dreame D9 Max Gen 2, Xiaomi Robot Vacuum S20+, Roborock Q7 TF, Roborock Q10 VF



Phân khúc giá 7-8 triệu

Phân khúc này cũng chỉ có một số nâng cấp nhẹ cho phân khúc trước, có thể kể đến:




Với phân khúc này, điểm nâng cấp đáng giá là khả năng chống rối tóc cho chổi chính. Với robot có khả năng chống rối tóc, người dùng sẽ đỡ vất vả hơn khi vệ sinh bảo trì robot sau một thời gian sử dụng.



Cũng bắt đầu có những mẫu đã có trạm sạc tự đổ bụi, người dùng sẽ không cần đổ bụi thủ công sau 2-3 hôm nữa. Và vì trạm sẽ tự đổ bụi sau mỗi lần robot làm việc, nên lần làm việc tiếp theo lực hút của robot vẫn cao và đảm bảo hút tốt.


Phân khúc này cũng bắt đầu có tính năng nâng giẻ lau để tránh làm ẩm ướt thảm. Một số mẫu được nâng cấp cảm biến vật cản tốt hơn phân khúc trước. Nhưng tốt hơn cũng ở mức là tránh vật cản có kích thước lớn, chứ để nhận diện vật nhỏ hay dây điện có lẽ là còn phải lên vài phân khúc nữa.



Trong phân khúc này sẽ có một số mẫu như: Ecovacs Deebot N20 Pro, Ecovacs Y1 Pro Plus, Roborock Q10 PF+


Phân khúc giá 9-11 triệu

Phân khúc này đã bắt đầu có nhiều nâng cấp đáng kể trong việc dọn dẹp và bắt đầu giải phóng sức lao động hơn, vì được thừa hưởng công nghệ từ phân khúc cao hơn của năm ngoái. Tuy nhiên, đây vẫn là phân khúc phải đánh đổi, tức là có tính năng này thì sẽ bị cắt tính năng kia, chưa thể có đủ mọi thứ.




Về trạm sạc, có một số mẫu đã đủ các tính năng hữu ích bao gồm tự đổ bụi, tự giặt giẻ nước nóng, tự sấy giẻ khí nóng. Đây là những tính năng cần thiết cho một robot có trạm sạc tự động, giải phóng rất nhiều sức lao động cho người dùng.



Khả năng dọn dẹp của robot ở phân khúc này đã tăng lên nhiều so với những phân khúc trước đó, nhờ tính năng tự giặt giẻ lau sàn, khi mà định kì sau 10-15 phút robot có thể quay về trạm để giặt giẻ. Giẻ sạch giúp lau nhà sạch, không lôi bẩn từ nơi này qua nơi khác.


Tuy nhiên, phải lưu ý khi tìm mua trong phân khúc này, vì có một số mẫu robot cắt giảm tính năng sấy khí nóng, chỉ sấy bằng nhiệt độ môi trường. Việc sấy bằng nhiệt độ thường khiến khăn không khô được hoàn toàn, sẽ nhanh chóng sinh mùi, người dùng lại phải giặt và phơi thủ công. Vì vậy, khi đã mua robot có tự giặt sấy, sấy khí nóng là tính năng mình thấy bắt buộc nên có.



Trong phân khúc này, cũng có những mẫu đã có thêm cả tính năng xòe giẻ lau để có thể lau sát cạnh, hoặc có những robot đã được trang bị cảm biến tránh chướng ngại vật 3D hay camera. Tuy nhiên, đây sẽ là những trang bị phải đánh đổi, có cái này sẽ không còn cái kia.



Trong phân khúc này sẽ có một số mẫu như: Ecovacs N30 PRO OMNI, Roborock QR 798, Dreame L10 Ultra, Mova E30 Ultra, Xiaomi X20 Plus/Pro



Phân khúc giá 12-15 triệu

Phân khúc tầm trung mình thấy luôn là phân khúc khá thú vị và sôi động, vì robot đã bắt đầu được trang bị rất nhiều các công nghệ tự động hoá giúp giải phóng sức lao động tốt hơn nữa và đem lại hiệu quả vệ sinh cao hơn.




Trạm sạc với 3 chức năng chính, tự đổ bụi, giặt giẻ và sấy giẻ sẽ là tiêu chuẩn của phân khúc này. Nhiều mẫu sẽ có cả module tự nạp và xả nước, nhưng thường là option bổ sung phải mua thêm.



Về robot ở phân khúc này hầu hết sẽ có chổi chống rối tóc, có mẫu là đi kèm, có mẫu phải mua thêm. Công nghệ chống rối của các hãng cũng khá khác nhau, có hãng dùng chổi cắt tóc, có hãng có lược chống rối, và có hãng dùng chổi có khe ở giữa để thu tóc. Hầu hết robot trong phân khúc này sẽ có xòe giẻ lau để lau sát chân tường và đồ đạc.


Về công nghệ nhận diện vật cản và tránh chướng ngại vật, phân khúc này cơ bản đã tránh được các món đồ nhỏ tầm 2-3 cm. Có điều dây điện sẽ là thứ mà phân khúc này có thể vẫn còn gặp rắc rối. Việc điều hướng của phân khúc này vẫn chủ yếu dựa vào LiDAR với một cục u nằm ở mặt trên của robot.



Một số mẫu trong phân khúc này bắt đầu có thêm các tính năng phụ trợ như ra lệnh bằng giọng nói, điều khiển thông minh Ai hỗ trợ các chế độ làm sạch phù hợp với nhu cầu sử dụng…



Phân khúc này về cơ bản là có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu cơ bản của một chiếc robot hút bụi lau nhà hiện đại. Theo đánh giá của mình, đây là phân khúc mình thấy thực dụng và đáng tiền nhất vì robot ở phân khúc này có đầy đủ tính năng thực dụng và hiệu quả làm sạch cũng đã rất tốt.



Trong phân khúc này có một số mẫu như: Ecovacs T30 Pro Omni, Ecovacs Deebot T30S KR, Dreame L10s Ultra Gen 2, Roborock Qrevo 5AE



Phân khúc 16 – 18 triệu

Đây là phân khúc cận cao cấp, là phân khúc mà các nhà sản xuất hướng đến cả tính thẩm mĩ cao bên cạnh những nâng cấp về việc làm sạch hay di chuyển.




Trong phân khúc này bắt đầu có những robot được mang cụm LiDAR xuống phía dưới cản trước, giúp robot mỏng hơn, dễ dàng chui vào gầm đồ nội thất hơn, không còn cụm LiDAR lồi lên ở trên, tính thẩm mĩ cũng tăng lên nhiều. Robot nhìn mỏng hơn, đẹp hơn, khả năng đi lại và điều hướng cũng vẫn rất tốt.


Nhiều mẫu trong phân khúc này đã được trang bị camera nhận diện. Nhờ có camera, việc nhận diện của robot trở nên rất thông minh và chính xác. Robot có thể xác định những chướng ngại vật rất nhỏ, kể cả dây điện cũng có thể tránh tốt. Ngoài ra, một số mẫu có camera có thể nhận diện bụi bẩn để đưa ra giải pháp làm sạch phù hợp.



Về công nghệ vệ sinh, một số mẫu được trang bị tính năng nâng hệ thống chổi chính, để khi chỉ lau nhà, phần chổi chính sẽ không bị dính nước, giúp chổi và họng hút sạch sẽ hơn. Chổi phụ trên phân khúc này hầu như đều có thể mở rộng để quét góc nhà tốt hơn.



Một số mẫu được trang bị giẻ lau dạng con lăn, đây là một công nghệ tương đương với máy lau sàn, và hiệu quả làm sạch sàn đang tốt nhất tại thời điểm này, vì nguyên lý vừa lau vừa giặt sạch đồng thời, có thể làm sạch sàn nhà mà không lôi bẩn đi nơi khác, thậm chí có thể làm sạch cả những vết bẩn ướt.



Trạm sạc trên phân khúc cận cao cấp cũng được làm đẹp và sang trọng hơn. Đồng thời hầu hết đều sẽ được tích hợp thêm cơ cấu tự làm sạch phần dock sạc này.



Một số mẫu trong phân khúc này: Ecovacs Deebot T80 Omni, Ecovacs Deebot T50 Pro Omni, Roborock Q Revo MaxV, Roborock Qrevo Edge 5V1, Dreame L30s Ultra, Dreame X30 Ultra



Phân khúc trên 19 triệu

Về cơ bản, trên mức giá này mình coi là phân khúc cao cấp flagship của các thương hiệu. Sẽ có mọi công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. Thậm chí nếu mức giá cao hơn như ở tầm 25-30 triệu, sẽ là những thiết bị mang tính trình diễn công nghệ, khi mà có rất nhiều công nghệ tưởng chừng như không tưởng.



Nhưng phân khúc này mình lại thấy thú vị, vì là nơi các nhà sản xuất thể hiện sự sáng tạo của mình, nên lại đi theo nhiều ngã rẽ khác nhau và mang tính đa dạng.



Có thương hiệu tập trung vào việc làm sạch như đầu tư vào công nghệ lau con lăn như Ecovacs (mà mới gần dây đã đem xuống phân khúc thấp hơn), có thương hiệu lại tích hợp cánh tay vào robot để có thêm khả năng nhặt rác như Roborock, có thương hiệu lại tập trung vào việc vượt chướng ngại vật, robot có thêm ‘chân’ kéo dài để leo qua những bậc, gờ cao như Dreame.


Hầu hết robot trong phân khúc cao cấp này sẽ được chú trọng nhiều cả về ngoại hình, từ robot cho đến trạm sạc sẽ được thiết kế đẹp và tinh xảo. Ví dụ như dòng Master của Dreame được làm nhỏ gọn như 1 hộc tủ, chúng ta có thể thiết kế để tích hợp vào đồ nội thất liền lạc và thẩm mĩ.



Một số mẫu robot trong phân khúc này: Ecovacs X8 Pro Omni, X5 Pro Omni, X2 Omni (X series); Roborock Qrevo Curv, Saros 10R, Saros Z70; Dreame X30, X40, X50 Ultra / Master.



Robot hút bụi Flagship trong tương lai

Năm ngoái, trong bài viết tổng quan robot hút bụi 2024, mình có đề cập đến một số vấn đề, trong đó có một việc mà robot thời điểm đó chưa giải quyết được, nhưng năm nay đã có, đó chính là khả năng làm sạch vết bẩn ướt.




Vấn đề này được giải quyết bằng công nghệ giẻ lau dạng con lăn, với việc robot có thể tự giặt giẻ ngay trong lúc hoạt động, vết bẩn ướt sẽ được con lăn thấm khô, cuốn lên và cạo sạch rồi được trữ trong ngăn chứa nước dơ của robot để về trạm sẽ được hút lên bình chứa nước dơ của trạm.



Ngoài ra, có một số vấn đề mà ngày đó mình chưa nghĩ đến, nhưng các nhà sản xuất đã làm, như là cánh tay robot để robot nhặt nhạnh đồ đạc hoặc rác rơi vãi về khu vực chỉnh định.



Thật sự đến thời điểm này, robot hút bụi đã trải qua một thời gian dài tiến hoá và phát triển, thật sự sẽ chỉ còn rất ít vấn đề về làm sạch sàn nhà mà robot hút bụi chưa thể giải quyết trong hiện tại và có thể sẽ tiếp tục được nâng cấp trong tương lai, có thể kể đến như:


  • Mới quét được góc tường, chưa lau được góc tường

  • Đã bắt đầu có robot lau nhà biết leo cầu thang, nhưng chưa áp dụng vào các mẫu hiện tại. Hiện tại mới leo được gờ cao 4-6 cm, cao hơn mức 2cm bình thường

  • Dù đã nhấc chổi và giẻ, bánh xe vẫn có thể vẫn sẽ gây vệt bẩn trên sàn đã sạch, biết đâu tương lai sẽ có chế độ tự rửa bánh xe, hoặc nâng bánh bẩn, hạ bánh sạch xuống để chạy về trạm, hoặc công nghệ giẻ lau tự giặt mà có thể bao phủ toàn bộ vết bánh xe, sẽ không cần nhấc giẻ lúc chạy về trạm nữa.


Theo Tinhte


Comments


bottom of page